Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tạp chí TIME, ông Biden cho biết: "Hòa bình có nghĩa là đảm bảo rằng Nga sẽ không bao giờ chiếm đóng Ukraine. Hòa bình là như vậy. Và điều đó không có nghĩa Ukraine phải gia nhập NATO và trở thành một phần của NATO”.
Lãnh đạo Nhà Trắng nêu rõ Washington sẽ duy trì mối quan hệ với Ukraine giống những quốc gia và vùng lãnh thổ khác mà Mỹ cung cấp vũ khí để có thể tự vệ trong tương lai.
Ông Joe Biden cảnh báo phương Tây có thể đối mặt với nguy cơ xảy ra xung đột nếu không giúp đỡ Ukraine. Tổng thống Mỹ nói ông chấp thuận công bố tin tình báo về "chiến dịch quân sự" của Nga vào đầu năm 2022 “để cho thế giới biết rằng nước Mỹ vẫn nắm kiểm soát. Mỹ vẫn biết chuyện gì đang xảy ra. Mỹ là cường quốc thế giới".
Vào tháng 12.2021, Nga gửi cho Mỹ và NATO hai dự thảo hiệp ước an ninh, với mong muốn có cam kết Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập liên minh quân sự NATO do Mỹ lãnh đạo. Đến tháng 1.2022, Washington và Brussels bác đề xuất của Moscow, nhấn mạnh rằng NATO có chính sách "mở cửa" không chịu sức ép từ bên ngoài. Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt một tháng sau đó.
Ukraine đã nhiều lần đề xuất được kết nạp vào thành viên NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi năm 2023 nói vấn đề này sẽ không được đưa ra thảo luận cho đến khi xung đột kết thúc.
Là một thành viên NATO đồng nghĩa việc quốc gia đó sẽ được bảo trợ theo Điều 5 của liên minh - nêu rõ bất cứ hành động tấn công hoặc đe dọa nào nhằm vào một thành viên sẽ bị coi là nhằm vào toàn bộ liên minh và cho phép khối này tiến hành biện pháp phòng vệ tập thể.
Phần Lan và Thụy Điển là hai quốc gia mới nhất gia nhập NATO sau khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine, lần lượt vào tháng 4.2023 và tháng 3.2024.
Bình luận (0)