Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12.3 viết rằng có “bằng chứng đáng tin cậy” cho thấy tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Broadcom có trụ sở tại Singapore và các chi nhánh của công ty “có thể có những hành động đe dọa làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ”. Ông Trump nói Broadcom phải “ngay lập tức và vĩnh viễn từ bỏ kế hoạch tiếp quản” hãng sản xuất chip điện tử Qualcomm của Mỹ.
Trước động thái ngăn cản của Tổng thống Mỹ, Broadcom đã tỏ thái độ “không đồng ý mạnh mẽ” và khẳng định rằng việc mua lại Qualcomm không tạo ra “bất kỳ mối quan ngại về an ninh quốc gia nào”.
Thương vụ thâu tóm lớn nhất và phức tạp nhất lịch sử công nghệ giữa hai nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới đã được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) thuộc Chính phủ Mỹ điều tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trước đó, Qualcomm từ chối số tiền 117 tỉ USD đề nghị của Broadcom.
Tuần trước, chính phủ Mỹ đã đưa ra một loạt quan ngại về vụ sáp nhập này trong một lá thư gửi đến cho hai công ty. CFIUS nói rằng họ đang xem xét về “những rủi ro liên quan từ các mối quan hệ giữa Broadcom với các công ty nước ngoài khác” cũng như “những ảnh hưởng đến bảo mật an ninh quốc gia có thể xuất hiện từ các ý định kinh doanh của Broadcom đối với Qualcomm”.
Được biết, trong thư viết rằng một trong những mối quan tâm lớn nhất từ phía Washington là thương vụ này sẽ khiến Mỹ bị lùi lại phía sau và cho phép Trung Quốc dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ 5G. Qualcomm nổi tiếng với phát minh ra công nghệ mạng không dây 2G, 3G và công ty này hiện đang đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu 5G.
Broadcom ngay sau đó tuyên bố, nếu đề nghị mua lại Qualcomm thành công, công ty cam kết sẽ thúc đẩy để Mỹ trở thành “nhà lãnh đạo toàn cầu trong công nghệ 5G”, đồng thời sẽ tạo ra một quỹ mới trị giá 1,5 tỉ USD để đào tạo các kỹ sư Mỹ. Tuy nhiên, trong lá thư được viên chức Bộ Tài chính Mỹ viết thay mặt cho CFIUS hôm 11.3 đã một lần nữa khẳng định về những lo ngại về an ninh quốc gia trong thương vụ này và thông báo CFIUS sẽ đưa vấn đề lên Tổng thống.
Qualcomm hôm 12.3 cho hay công ty đã nhận được quyết định của ông Trump và theo các điều khoản hành động, “tất cả các ứng viên của Broadcom sẽ bị loại ra khỏi đợt lựa chọn các giám đốc của Qualcomm”.
Khả năng ngăn chặn các thỏa thuận thương mại của ông Trump dựa trên một đạo luật cũ năm 1962. Bằng cách viện dẫn lý do an ninh quốc gia, ông Trump sẽ có quyền ngăn các công ty nước ngoài tham gia vào việc kinh doanh của các công ty Mỹ. Và đây không phải là lần đầu tiên ông Trump sử dụng “sức mạnh” này.
Trong những năm gần đây, các Tổng thống Mỹ đã đặc biệt chú ý tới những công ty bán dẫn. Tháng 9.2017, ông Trump ngăn Canyon Bridge Capital Partners, một công ty cổ phần tư nhân có quan hệ với chính phủ Trung Quốc, mua lại nhà sản xuất chip Lattice Semiconductors của Mỹ. Năm 2016, cựu Tổng thống Barack Obama cũng cấm một doanh nghiệp Trung Quốc tiếp quản một phần Aixtron, công ty bán dẫn của Đức hoạt động tại Mỹ.
Bình luận (0)