Tổng thống Widodo, người thường được gọi với tên Jokowi, không cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc mà ông gọi là "vụ đấu súng", nhưng tuyên bố chuyện này sẽ không cản trở những nỗ lực của Indonesia và ASEAN nhằm thúc đẩy hòa bình ở Myanmar, theo Reuters.
"Hãy ngừng sử dụng vũ lực, chấm dứt bạo lực vì chính người dân sẽ là nạn nhân. Tình hình này sẽ không mang lại chiến thắng cho bất kỳ ai", ông Jokowi nói và cho biết Jakarta khuyến khích tất cả các bên liên quan đối thoại và tìm ra giải pháp.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah, không rõ ai đứng sau vụ việc xảy ra tại thị trấn Hsi Hseng ở phía tây bang Shan của Myanmar, được cho là nhắm vào các quan chức thuộc trung tâm hỗ trợ nhân đạo của ASEAN.
Myanmar đã mắc kẹt trong vòng xoáy bạo lực và bất ổn kinh tế kể từ khi quân đội lật đổ một chính phủ dân cử vào năm 2021. Sự gia tăng các cuộc tấn công và đụng độ giữa quân đội với các nhóm kháng chiến có vũ trang đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế, bao gồm các nước láng giềng ASEAN, kêu gọi chấm dứt mọi hành động thù địch và cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo tại Myanmar.
Lực lượng Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) lưu vong của Myanmar, nhóm bao gồm các nhà lập pháp dân cử bị lật đổ trong chính biến năm 2021, cho biết họ không liên quan đến vụ việc. NUG liên minh với Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF), tổ chức dân quân chống chính quyền quân đội. PDF không lập tức lên tiếng.
Người phát ngôn của chính quyền quân đội Myanmar cũng chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ Reuters.
Tuần trước, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết Indonesia đã âm thầm tiếp xúc với chính quyền quân đội Myanmar, chính phủ lưu vong và các nhóm vũ trang trong nhiều tháng để cố gắng khởi động một tiến trình hòa bình.
Bình luận (0)