Tổng thống Macron thoát ải bỏ phiếu bất tín nhiệm giữa biểu tình sôi sục tại Pháp

21/03/2023 11:12 GMT+7

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vượt qua hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại hạ viện hôm 20.3, giữa lúc chính quyền của ông đối mặt với làn sóng chống đối nghiêm trọng nhất kể từ năm 2018 vì quyết tâm nâng tuổi nghỉ hưu.

Tổng thống Macron thoát ải bỏ phiếu bất tín nhiệm giữa biểu tình sôi sục tại Pháp - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

AFP

Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên, do một nhóm nghị sĩ theo đường lối trung dung phát động, giành được 278 phiếu ủng hộ, thiếu 9 phiếu so với mức tối thiểu 287 phiếu để thông qua. Trong cuộc bỏ phiếu thứ hai, do đảng cực hữu National Rally của bà Marine Le Pen khởi xướng, chỉ có 94 hạ nghị sĩ ủng hộ.

Kết quả sít sao trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên cho thấy sự bất bình sâu sắc đối với nỗ lực cải cách chính sách hưu trí mà ông Macron theo đuổi từ khi ông lên nắm quyền trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2017. Cơn giận dữ đã bùng lên mạnh mẽ hơn sau khi chính quyền của ông tuần trước tuyên bố sẽ áp dụng một điều khoản trong hiến pháp để thông qua dự luật mà không cần biểu quyết tại hạ viện.

Biểu tình phản đối chính phủ Pháp vì cải cách lương hưu

Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật vào tháng trước. Theo dự luật này, tuổi nghỉ hưu tại Pháp sẽ được nâng lên từ 62 thành 64 tuổi. Dự luật đã dẫn đến các cuộc biểu tình, các cuộc đình công liên tiếp và cả bạo lực trong suốt hai tháng. Dự luật cũng làm chia rẽ nước Pháp, với các cuộc thăm dò dư luận thường xuyên cho thấy 2/3 công chúng phản đối việc thay đổi tuổi nghỉ hưu.

Sau hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 20.3, không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc biểu tình sẽ chấm dứt cũng như bầu không khí sẽ yên bình trở lại trong tương lai gần. Tổng thống Macron hầu như vẫn im lặng về việc ông sẽ làm thế nào để giữ lấy chiếc ghế đang lung lay, dù nguy cơ giải tán chính phủ tạm thời đã được hóa giải.

Phe đối lập đã tận dụng mọi cơ hội này để công kích tổng thống, kêu gọi Thủ tướng Elisabeth Borne từ chức. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm được công bố, các nhà lập pháp của đảng cánh tả La France Insoumise đã hét lớn "Hãy từ chức" với bà Borne và vẫy những biểu ngữ viết "Chúng ta sẽ gặp nhau trên đường phố".

Bà Le Pen, đối thủ của ông Macron trong cả hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 và 2022, nói ông nên kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hưu trí nhưng không chắc sẽ làm như vậy. "Ông ấy không nghe thấy những gì người dân Pháp mong muốn", Reuters dẫn lời bà Le Pen.

Các đảng đối lập cũng dự định sẽ thách thức dự luật cải cách chính sách hưu trí tại Hội đồng Hiến pháp. Cơ quan này có thể quyết định bãi bỏ một số nội dung hoặc toàn bộ dự luật, nếu cho rằng dự luật vi hiến.

Paris thành "bãi chiến trường" giữa cuộc biểu tình chống cải cách lương hưu ở Pháp

Người biểu tình đã tràn ra các đường phố ở Paris ngay sau khi kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm được công bố. Trong ba đêm liên tiếp, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở thủ đô cũng như các thành phố khác trên khắp nước Pháp, kêu gọi ông Macron từ chức.

Các cuộc xuống đường lần này gợi nhớ phong trào biểu tình chống chính phủ "Gilets Jaunes" (Áo khoác vàng) bùng nổ vào cuối năm 2018 vì giá nhiên liệu tăng cao, đánh dấu một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với ông Macron trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.