Tổng thống Marcos: Philippines khó thoát liên lụy nếu có xung đột ở eo biển Đài Loan

13/02/2023 12:50 GMT+7

Nhà lãnh đạo nói nếu xung đột quân sự xảy ra ở eo biển Đài Loan, Philippines gần như chắc chắn sẽ bị đẩy vào vì đặc điểm địa lý.

"Khi chúng tôi xem xét tình hình trong khu vực, đặc biệt là căng thẳng ở eo biển Đài Loan, chúng tôi có thể thấy rằng, chỉ cần xét đến vị trí địa lý của chúng tôi thôi cũng đã thật khó để hình dung ra tình huống mà Philippines bằng cách nào đó sẽ không bị dính líu, nếu thực tế có xung đột ở khu vực đó", Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr nói trong cuộc phỏng vấn Nikkei Asia đăng ngày 12.2.

"Chúng tôi sẽ bị lôi vào cuộc xung đột vì bất kỳ ai… bất kỳ bên nào đang hành động", ông Marcos cho hay.

Tổng thống Marcos: Philippines khó thoát được xung đột ở eo biển Đài Loan - Ảnh 1.

Tổng thống Marcos trong cuộc phỏng vấn

CHỤP MÀN HÌNH NIKKEI ASIA

Căng thẳng đã leo thang xung quanh Đài Loan trong những năm gần đây, với việc Trung Quốc thường xuyên điều máy bay quân sự đến gần hòn đảo và không loại trừ khả năng tái thống nhất bằng vũ lực.

Theo ông Marcos, tỉnh Ilocos Norte quê hương ông ở phía bắc Philippines chỉ cách thành phố Cao Hùng phía nam Đài Loan 40 phút bay. "Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi đang ở tuyến đầu", nhà lãnh đạo nói trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia.

Cuộc phỏng vấn diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của ông Marcos kể từ khi ông nhậm chức tổng thống Philippines hồi tháng 6.2022. Chuyến thăm 5 ngày nhằm mục đích tăng cường quan hệ an ninh giữa Manila và Tokyo, trong bối cảnh chính phủ Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố những thay đổi lớn nhất trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản kể từ Thế chiến 2, bao gồm việc trang bị khả năng phản công.

Trong một diễn biến khác, nhà lãnh đạo Philippines cũng cho biết ông không thấy bất cứ lý do nào để nước này không thể đi đến một Thỏa thuận về Lực lượng Đồn trú (VFA) với Nhật Bản, tương tự thỏa thuận giữa Manila và Washington, nếu việc đó có thể giúp tăng cường an ninh hàng hải và bảo vệ ngư dân Philippines tốt hơn.

"Nếu chuyện đó giúp ích cho Philippines trong việc bảo vệ, chẳng hạn như ngư dân của chúng tôi, bảo vệ lãnh thổ trên biển của chúng tôi... tôi không thấy lý do gì khiến chúng tôi không nên có thỏa thuận (VFA với Nhật)", ông Marcos nói với báo giới tại Tokyo hôm 12.2 trước khi lên đường về nước, theo Reuters.

Tuy nhiên, tổng thống Philippines cũng nói ông sẽ thận trọng trong việc theo đuổi một thỏa thuận như vậy với Tokyo "bởi vì chúng tôi không muốn tỏ ra khiêu khích".

Mỹ, Philippines đạt thỏa thuận sử dụng 4 căn cứ quân sự, Trung Quốc phản ứng

Ông Marcos và ông Kishida đã ký một thỏa thuận cho phép các lực lượng vũ trang của họ làm việc cùng nhau trong quá trình cứu trợ thiên tai, thỏa thuận được coi là bước đệm để tiến tới một hiệp ước rộng lớn hơn có thể cho phép hai nước triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau.

"Tôi luôn nghĩ về sự cần thiết phải bảo vệ ngư dân của chúng tôi. Chúng tôi cần thể hiện rõ ràng rằng chúng tôi đang tuần tra vùng biển của mình và đảm bảo rằng lãnh thổ trên biển của chúng tôi được thừa nhận một cách rõ ràng", ông Marcos nói.

Philippines có VFA với Mỹ, trong khi Nhật Bản có VFA với Úc và Anh, đồng thời cũng là nơi tập trung lực lượng lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.

Mới đây, ông Marcos đã cho phép Mỹ tiếp cận thêm một số căn cứ quân sự ở Philippines theo VFA giữa hai nước, động thái mà Trung Quốc cho là làm suy yếu sự ổn định ở khu vực cũng như khiến căng thẳng gia tăng. VFA này vốn đặt ra các quy định về việc luân chuyển hàng nghìn lính Mỹ vào và ra khỏi Philippines để tập trận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.