Nhật Bản trên hành trình tăng cường sức mạnh quân sự

19/12/2022 06:30 GMT+7

Mặc dù chưa được “cởi trói” hoàn toàn về hiến pháp, sức mạnh quân sự Nhật Bản đang liên tục được tăng cường để đối phó các thách thức nổi lên ở khu vực.

Tăng cường quân sự mạnh nhất kể từ sau Thế chiến 2

Tuần qua, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ nước này vừa thông qua chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng cho thời gian tới với mục tiêu ứng phó các thách thức nổi lên trong khu vực gần đây.

Được đánh giá là tiền đề để Tokyo tăng cường quân sự mạnh nhất cho Nhật Bản kể từ sau Thế chiến 2, kế hoạch an ninh, quốc phòng của nước này đang hướng đến tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP vào năm 2027, trong khi tỷ lệ hiện nay chỉ 1% GDP.

Không những vậy, Tokyo còn phát triển năng lực “phản kích” đủ sức tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của một quốc gia khác nếu rơi vào trường hợp khẩn cấp và các tiêu chí cụ thể. Cụ thể hơn, chiến lược an ninh và chiến lược quốc phòng mới của Nhật Bản đặt ra mục tiêu trang bị các loại tên lửa tương tự Tomahawk của Mỹ để “tấn công phủ đầu” kẻ thù nhằm “tự vệ”.

Tên lửa Type-12 của Nhật có thể được nâng cấp tầm bắn lên đến 1.000 km

AFP

Hồi cuối tháng 8, tờ The Japan Times đưa tin Nhật Bản xem xét trang bị 1.000 tên lửa hành trình tầm xa. Theo đó, Tokyo có thể sớm nâng cấp loại tên lửa Type-12 có tầm bắn từ 200 km lên trên 1.000 km. Ngoài ra, hồi đầu tháng 12, Hãng tin Kyodo tiết lộ Nhật Bản còn có kế hoạch đến năm 2031 sẽ tăng gấp 3 số đơn vị phòng thủ tên lửa và sẽ triển khai các đơn vị được bổ sung đến các đảo ở phía tây nam nước này.

Các động thái trên diễn ra giữa lúc căng thẳng tăng cao quanh eo biển Đài Loan, nhất là sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan dẫn đến việc Trung Quốc trả đũa bằng các cuộc tập trận và có một số tên lửa do Bắc Kinh bắn đi đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Bên cạnh đó, Tokyo cũng nhiều lần nhấn mạnh tình hình eo biển Đài Loan có ảnh hưởng sống còn đến an ninh quốc gia Nhật Bản.

Đồng minh ủng hộ

Thực tế, không phải đến lúc này Tokyo mới tăng cường sức mạnh quân sự. Bởi lực lượng phòng vệ Nhật Bản thời gian qua liên tục được bổ sung nhiều khí tài hiện đại, thậm chí còn sở hữu 2 tàu khu trục chở máy bay trực thăng được nâng cấp để mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35, tác chiến như tàu sân bay. Nhật Bản cũng sở hữu nhiều loại chiến hạm, chiến đấu cơ, xe tăng uy lực và tối tân. Chính vì thế, dù về mặt pháp lý không phải là quân đội nhưng lực lượng phòng vệ Nhật Bản được đánh giá là một trong các lực lượng quân sự hùng mạnh nhất ở khu vực.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc mới đây cáo buộc Nhật Bản đã “thổi phồng” các nguy cơ quân sự để lấy cớ tăng cường sức mạnh. Tuy nhiên, Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng minh và đối tác.

CNN ngày 16.12 dẫn phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh việc Nhật Bản công bố các tài liệu chiến lược mới phản ánh cam kết kiên quyết của Nhật Bản trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Có gì đặc biệt về động cơ tên lửa ICBM Triều Tiên mới thử nghiệm?

Đến hôm qua 18.12, Washington và Tokyo đã ra mắt một trung tâm chung về phân tích thông tin tình báo được thu thập bởi các phương tiện quốc phòng như máy bay không người lái, theo tờ The Japan Times.

Bên cạnh đó, ngày 9.12, sau cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cho biết Canberra có ý định “tăng cường hội nhập công nghiệp quốc phòng với Nhật Bản: song phương, thông qua các cơ chế 3 bên của chúng tôi với Mỹ, và khi sẵn sàng, thông qua các năng lực tiên tiến của chúng tôi cũng hoạt động trong AUKUS”. Nội dung này được cho là thông điệp của Canberra về việc mời Tokyo tham gia AUKUS vốn là thỏa thuận ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc mà trong đó có nội dung Mỹ và Anh sẽ chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc.

Trước đó vài ngày, sau cuộc gặp cấp cao, Washington và Canberra đưa ra thông cáo cho biết sẽ tăng cường sự hiện diện các lực lượng luân phiên của Mỹ ở Úc. Đặc biệt, ông Austin cho biết Washington và Canberra đồng ý “mời Nhật Bản tham gia vào các sáng kiến bố trí lực lượng của chúng tôi ở Úc”.

Phần lớn người Nhật phản đối tăng thuế cho việc tăng cường quân sự

Kyodo News ngày 18.12 dẫn một cuộc khảo sát do hãng tin này tiến hành cho thấy gần 65% số người dân Nhật Bản được hỏi trong cuộc khảo sát phản đối việc tăng thuế cho chi tiêu quân sự.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.