Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước báo giới sau cuộc họp khẩn ngày 16.11 ở Indonesia |
reuters |
Theo Reuters, Mỹ và các đồng minh NATO đang điều tra vụ nổ khiến hai người thiệt mạng ở Ba Lan. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các thông tin ban đầu cho thấy quả tên lửa gây ra vụ nổ có thể không được phóng từ Nga.
"Có thông tin sơ bộ tranh cãi về điều đó. Tôi không muốn nói về điều này cho đến khi chúng tôi điều tra đầy đủ. Tuy nhiên, theo đường bay của tên lửa, khó có khả năng nó được phóng từ Nga. Nhưng chúng ta cứ chờ xem”, Tổng thống Biden trả lời khi được hỏi liệu có quá sớm để nói rằng tên lửa được phóng từ Nga hay không.
Tổng thống Mỹ: tên lửa rơi ở Ba Lan có thể không phóng từ Nga |
Ông Biden nói thêm rằng Mỹ và các nước NATO sẽ điều tra kĩ càng trước khi hành động.
Những phát biểu này được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo toàn cầu đang tham dự hội nghị G20 ở Indonesia họp khẩn vào ngày 16.11 về vụ nổ khiến 2 người chết tại Przewodow, một ngôi làng ở miền đông Ba Lan gần biên giới với Ukraine hôm 15.11. Chính phủ Ukraine và Ba Lan cho rằng tên lửa do Nga sản xuất đã gây ra vụ nổ này.
Theo Nhà Trắng, cuộc họp khẩn trên do Tổng thống Biden triệu tập.
“Chúng tôi đồng ý hỗ trợ cuộc điều tra của Ba Lan về vụ nổ ở vùng nông thôn Ba Lan, gần biên giới Ukraine. Chúng tôi sẽ tìm ra chính xác điều gì đã xảy ra”, ông Biden nói.
"Sau đó, chúng tôi sẽ cùng nhau xác định bước tiếp theo. Các lãnh đạo tham gia cuộc họp đều nhất trí với nhau”, tổng thống Mỹ nói thêm.
Cuộc họp khẩn có sự tham gia của lãnh đạo Mỹ, Đức, Canada, Hà Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Anh. Ngoại trừ Nhật Bản, các nước còn lại đều là thành viên của NATO, liên minh mà Ba Lan cũng là thành viên.
Việc xác định Nga phải chịu trách nhiệm về vụ nổ có thể kích hoạt nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO (hay Điều 5 trong hiệp ước). Theo đó, cuộc tấn công vào một thành viên của liên minh được coi là cuộc tấn công vào tất cả thành viên còn lại và dẫn tới việc NATO cân nhắc về một phản ứng quân sự.
Chuyên gia vụ nổ ở Ba Lan có thể kích hoạt các cuộc tham vấn của NATO |
Ba Lan cho biết nước này đang cân nhắc xem có cần yêu cầu tham vấn theo Điều 4 của NATO hay không. Điều 4 cho phép các thành viên NATO đưa ra bất kỳ vấn đề quan ngại nào, đặc biệt là về an ninh, để thảo luận tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương.
Ba Lan đã triệu tập đại sứ Nga tại Warsaw để yêu cầu giải thích sau khi Moscow phủ nhận trách nhiệm.
Bình luận (0)