Theo tin từ Nhà Trắng cùng ngày, Tổng thống Obama dự kiến hội đàm với các lãnh đạo Việt Nam về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, nhân quyền, những vấn đề khu vực và quốc tế...
Tại Hà Nội và TP.HCM, ông Obama sẽ có bài phát biểu về quan hệ song phương, thảo luận về tầm quan trọng của việc thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay, gặp gỡ thành viên Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), các hội nhóm và cộng đồng doanh nghiệp.
Sau Việt Nam, ông Obama sẽ đến Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G7. Nhà Trắng khẳng định chuyến công du lần này làm nổi bật thêm chính sách tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường quan hệ giữa Mỹ với khu vực về ngoại giao, kinh tế và an ninh.
|
Không thay đổi dù ai là Tổng thống
Cũng trong ngày 10.5, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đã gặp gỡ báo chí tại Hà Nội về chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Trả lời câu hỏi về việc ông Obama sắp mãn nhiệm và chính sách đối với Việt Nam của chính quyền mới, ông Russel khẳng định: “Chính sách của Mỹ là ủng hộ tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam” và “dù là tổng thống nào thì chính sách đối ngoại của Mỹ cũng luôn ủng hộ thúc đẩy các lợi ích đảm bảo nguyên tắc của Mỹ. Các lợi ích và nguyên tắc của Mỹ thì luôn nhất quán vì vậy các bạn có thể mong đợi rằng các chính sách của chính phủ mới cũng sẽ nhất quán như vậy”.
Trợ lý Ngoại trưởng Russel cho biết chuyến thăm của Tổng thống Obama được tổ chức theo nguyên tắc “quá khứ, hiện tại và tương lai”. Cụ thể, ông Obama sẽ thảo luận về giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại như hợp tác rà phá bom mìn, tìm kiếm hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ, xử lý các khu vực nhiễm dioxin… Hai bên cũng sẽ trao đổi về việc tăng cường các chương trình, hoạt động nhằm giải quyết các thách thức ngày càng gia tăng trong phạm vi khu vực và toàn cầu.
“Tăng cường quan hệ đối tác Việt - Mỹ là một thành tố quan trọng trong chính sách tái cân bằng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ”, ông Russel nói đồng thời nhấn mạnh thông điệp của chuyến thăm là một nước Việt Nam vững mạnh, an toàn, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng nhân quyền phổ quát và pháp quyền sẽ không chỉ phục vụ lợi ích của người dân Việt Nam mà còn đáp ứng lợi ích của Mỹ.
Báo Mỹ: Vịnh Cam Ranh đóng vai trò then chốt trên bàn cờ Biển Đông
Việt Nam là nước có năng lực nhất và kiên định nhất ở Đông Nam Á chống lại tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, cảng Cam Ranh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cục diện Biển Đông.
Tăng cường hợp tác an ninh biển
Liên quan đến hợp tác kinh tế song phương, ông Russel nhấn mạnh Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện TPP, hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực và thế giới mà Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập. Hai bên cũng sẽ trao đổi về việc hợp tác ứng phó một loạt thách thức khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống bệnh dịch truyền nhiễm, thách thức của khủng bố quốc tế…
Đặc biệt, an ninh biển cũng sẽ là một nội dung quan trọng trong chuyến thăm và “sẽ được thảo luận kỹ”. Theo ông Russel, Việt Nam và Mỹ hợp tác để “thúc đẩy trật tự dựa trên nguyên tắc và giải quyết căng thẳng nghiêm trọng ở Biển Đông, nhằm bảo đảm quyền của tất cả các bên và luật pháp quốc tế được tôn trọng, bảo đảm mỗi nước liên quan đến tranh chấp cần xuống thang, giảm căng thẳng”.
Ông Russel khẳng định Biển Đông là mối quan tâm lớn của nhiều nước chứ không chỉ của các nước tuyên bố chủ quyền và đã có nhiều nước bày tỏ quan tâm sâu sắc về các hành động của Trung Quốc trong việc cải tạo các thực thể, quân sự hóa trên Biển Đông. Theo ông, Mỹ không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền nhưng đứng về phía luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật Biển quốc tế.
Trả lời câu hỏi về các chuyến hải hành của tàu chiến Mỹ áp sát đảo nhân tạo do Trung Quốc xây đắp phi pháp trên Biển Đông, trợ lý Ngoại trưởng Russel nói quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế là dành cho tất cả các nước. “Nếu một tàu hải quân không thực hiện được quyền chính đáng của mình theo luật pháp quốc tế thì sao các tàu cá, tàu hàng có thể thực hiện quyền đó mà không bị các nước lớn khác ngăn cản?”, ông đặt vấn đề.
Về thông tin Mỹ sắp tới có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, ông Russel cho biết Mỹ chưa có quyết định nào nhưng đây là vấn đề được xem xét định kỳ thường xuyên.
Ông Russel cũng hé lộ hai bên sẽ thảo luận về mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền và cải cách pháp luật, vốn đã được liên tục trao đổi thông qua nhiều hình thức như các vòng đối thoại hay các cuộc gặp của quan chức cấp cao.
Làm sâu sắc thêm quan hệ
Chuyên san The Diplomat dẫn lời giới quan sát nhận định quan hệ song phương VN - Mỹ, vốn được cho là đang ở tầm cao chưa từng có, sẽ tiếp tục nâng lên tầm cao mới với chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama. Theo các chuyên gia, kết quả từ những chuyến công du đến Mỹ của các nhà lãnh đạo cấp cao VN trước đây, trong đó có chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7.2015, đang tiếp tục được phát huy trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Giáo sư sử học Niall Ferguson của Đại học Harvard đã có bài viết tựa đề Barack Obama’s revolution in foreign policy (tạm dịch: Cuộc cách mạng của ông Barack Obama trong chính sách đối ngoại) đăng trên tờ National Business Review ngày 10.5. Trong đó, ông chỉ ra rằng cuộc cách mạng này có thể tóm gọn trong vài chữ: Các đối thủ cũ trở thành bạn bè. Những bằng chứng rõ ràng nhất là quan hệ hợp tác phát triển tốt đẹp với Việt Nam, tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba trong khi quan hệ Mỹ - Iran đã phần nào giảm bớt thù địch.
Thụy Miên
|
Bình luận (0)