Theo Reuters, đây được xem là hành động khiển trách dữ dội của chủ nhân Điện Malacanang nhằm vào lực lượng mà ông dùng để xúc tiến cuộc chiến chống ma túy.
Tổng thống Duterte vẫn kiên định bảo vệ lực lượng cảnh sát bất chấp sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế về số người thiệt mạng trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy. Tuy nhiên, lòng tin của ông vào lực lượng này đã lung lay sau vụ 3 nhân viên cảnh sát giết hại doanh nhân Hàn Quốc Jee Ick-joo cuối năm ngoái.
Tháng trước, ông Duterte đã lên án lực lượng cảnh sát là “thối nát tận cốt lõi” và đã đình chỉ các hoạt động bài trừ ma túy, dù ông thề sẽ vẫn xúc tiến chiến dịch này.
Hôm 7.2, ông phát biểu trước 400 cảnh sát đứng xếp hàng tại Điện Malacanang, tất cả đều đang bị điều tra về nhiều sai phạm khác nhau, lên án họ là “điên rồ, ngốc ngếch”. Ông thậm chí còn thách họ đọ súng.
“Tôi sẽ đưa các ông đến Basilan và sống tại đó trong 2 năm. Nếu còn sống sót, các ông có thể quay lại đây. Nếu bỏ mạng ở đó, tôi sẽ yêu cầu lực lượng cảnh sát không chi đồng nào để đưa các ông về lại đây mà sẽ chôn tại đó”, ông Duterte nói với các cảnh sát.
Basilan là thành trì của nhóm phiến quân Abu Sayyaf có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhóm này khét tiếng với việc chặt đầu những người bị bắt cóc.
Tổng thống Philippines nói rằng những người không muốn đến Basilan có thể rời khỏi hàng ngũ, nhưng ông cảnh báo những người làm vậy không nên gây rắc rối. “Hãy tìm một sinh kế sạch”, ông nhấn mạnh.
“Tôi sẽ duy trì một đơn vị theo dõi nhất cử nhất động của các vị, do nước ta có một tiền sử buồn là phần lớn tội phạm xấu xa nhất là các cựu nhân viên cảnh sát hay quân đội”.
Hơn 7.700 người đã thiệt mạng kể từ khi ông Duterte phát động chiến dịch chống ma túy cách đây 7 tháng, trong đó có khoảng 2.500 người chết trong các chiến dịch của cảnh sát.
Những vụ giết người còn lại đang được điều tra, nhưng các nhóm nhân quyền tình nghi nhiều nạn nhân bị giết bởi lực lượng dân phòng hay kẻ giết thuê được cảnh sát ủng hộ.
Cơ quan Thực thi chống ma túy Philippines đảm trách các hoạt động bài trừ ma túy và ông Duterte đã đề cập khả năng huy động quân đội hỗ trợ chiến dịch.
Doanh nhân Jee bị sát hại tại đồn cảnh sát sau khi bị bắt giữ về các tội liên quan đến ma túy mà vợ và các luật sư của ông coi đó là sự che đậy cho hành động bắt cóc đòi tiền chuộc. Nhiều sĩ quan cảnh sát đang bị điều tra liên quan đến cái chết của ông Jee.
Bình luận (0)