Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo khủng hoảng tài chính 'chưa từng thấy'

Thu Thảo
Thu Thảo
26/05/2018 10:45 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa lên tiếng cảnh báo các biện pháp bảo hộ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng có độ tàn phá cao.

Theo Russia Today, ông Vladimir Putin vừa phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 25.5. Tại đây, ông lên tiếng chống lại xu hướng sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương để đạt được lợi thế kinh tế ngày càng tăng trên thế giới.
“Hệ thống hợp tác đa phương, điều mất nhiều năm để xây dựng, giờ đây không còn được phép phát triển nữa. Nó đang bị phá vỡ một cách rất thô bạo. Phá vỡ các quy tắc đang trở thành quy tắc mới”, ông Putin nói.
Ngoài các biện pháp bảo hộ truyền thống như áp thuế quan thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật và trợ cấp, các nước còn ngày càng sử dụng nhiều cách mới để làm suy yếu quốc gia cạnh tranh với họ, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương. Các nước nghĩ rằng có lẽ họ không bao giờ trở thành mục tiêu bởi các biện pháp trên vì lý do chính trị giờ đây nhận ra quan điểm của họ cũng sai.
“Khả năng áp các biện pháp trừng phạt tùy tiện và không thể kiểm soát thúc đẩy việc sử dụng các công cụ hạn chế hết lần này đến lần khác, trong mọi trường hpợ, bất kể lòng trung thành chính trị, bất kể việc nói về tình đoàn kết, các thỏa thuận trong quá khứ và sự hợp tác lâu dài”, ông Putin nói.
Tổng thống Nga kêu gọi thế giới thay đổi, để thương mại được tự do và để kinh tế toàn cầu được đặt dưới các luật định. Điều này sẽ giảm bớt sự hỗn loạn phát sinh từ sự thay đổi công nghệ nhanh chóng, xuất phát từ sự phát triển của công nghệ số.
Nhắc đến chiến tranh thương mại, ông Putin nói: “Chúng ta không cần chiến tranh thương mại hoặc thậm chí là việc tạm ngừng công kích thương mại tạm thời ngày nay. Chúng ta cần nền hòa bình thương mại toàn diện. Cạnh tranh, xung đột lợi ích dĩ nhiên sẽ luôn xuất hiện, nhưng chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau. Khả năng giải quyết khác biệt thông qua cạnh tranh trung thực thay vì hạn chế sức cạnh tranh là căn nguyên của tiến bộ”.
Ông Putin phát biểu như trên giữa lúc kinh tế toàn cầu đang hỗn loạn vì các chính sách theo chủ nghĩa dân túy của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang khiến Mỹ đối đầu các nước mà Washington cho là đang hưởng lợi thiếu công bằng về mặt thương mại. Ông Trump đã đe dọa Trung Quốc, các nước châu Âu, Canada và Mexico với nhiều hạn chế, đòi hỏi tình hình mất cân bằng thương mại phải được giải quyết. Chính quyền của Tổng thống Mỹ cũng áp các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga, Iran, Triều Tiên và nhiều nước khác.
Cũng tại sự kiện SPIEF đang diễn ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thay đổi nhận định về triển vọng kinh tế Nga. Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng có một số tin tốt cho Moscow vì nước này có bộ khung kinh tế vĩ mô “đáng ngưỡng mộ” với dự trữ dồi dào, tỷ giá hối đoái thả nổi, hệ thống ngân hàng được hỗ trợ, hầu như không có thâm hụt ngân sách, cán cân tài khoản vãng lai vững chắc và nợ thấp.
Sự kiện SPIEF còn có sự tham gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cùng Đại sứ Mỹ Jon Huntsman.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.