Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung chỉ là màn 'giữ thể diện'

23/05/2018 12:21 GMT+7

Thông báo mang màu thắng lợi từ phía Nhà Trắng hồi cuối tuần qua là không thích đáng, CNBC dẫn ý kiến của ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s cho biết.

Theo ông Zandi, kết quả đó làm giảm kỳ vọng rằng Mỹ đang đạt được những thành tựu lớn trong các cuộc đàm phán nhằm ngăn chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng đó là trường hợp cả hai bên cùng thua. Đây chỉ là cách để giữ thể diện, bởi vì rõ ràng họ sẽ không đi đến đâu về bất cứ điều khoản gì”, ông Zandi nói với CNBC hôm 21.5.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Muchin hôm 20.5 thông báo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đồng ý giảm căng thẳng thuế quan và thảo luận về một hiệp định thương mại rộng lớn hơn. Theo đó, Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều sản phẩm của Mỹ để giảm thâm hụt 335 tỉ USD thương mại hằng năm với Mỹ. Tuy nhiên, không có con số cụ thể nào về giá trị hàng hóa được đưa ra. Ông Zandi chỉ ra đây là bằng chứng cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều không có kế hoạch và họ cũng không thực sự biết họ muốn gì từ các cuộc đàm phán đã diễn ra.
“Khi bạn nhìn thẳng vào điểm này, bạn sẽ phải đặt câu hỏi chính xác thì họ sẽ làm gì? Liệu họ có hạ thấp thâm hụt thương mại song phương Mỹ - Trung được không? Điều này sẽ không xảy ra. Họ trì hoãn giải quyết vấn đề bởi vì họ thực sự không biết họ muốn gì”, ông Zandi nói.
“Một lập luận tranh luận ngớ ngẩn”
Tổng thống Donald Trump ban đầu đã đòi Trung Quốc phải giảm 200 tỉ USD thặng dư thương mại, một yêu cầu mà Bắc Kinh đã không chấp nhận. Ông Zandi chỉ trích con số này và lưu ý rằng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc hiện là 150 tỉ USD mỗi năm. Vì vậy, Mỹ sẽ không có khả năng sản xuất và tăng nhanh chóng quy mô hàng hóa đạt đến con số 200 tỉ USD để xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Cái gì sẽ được mua với 200 tỉ USD? Chúng tôi không muốn bán công nghệ cho Trung Quốc. Vậy chúng tôi sẽ bán thêm những sản phẩm nào? Đậu nành hay máy bay?”, ông Zandi đặt vấn đề.
Các chuyên gia thương mại lập luận rằng nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ sẽ không tăng nhiều đến mức cần mua một lượng hàng hóa lớn như vậy.
Theo ông Zandi, các cuộc đàm phán nên tập trung vào những vấn đề cơ cấu như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư. Thâm hụt thương mại không phải là trọng tâm của mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
“Mỹ muốn Trung Quốc mua nhiều hơn những gì mà Mỹ hiện đang sản xuất, nhưng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mới thực sự là điều nên tập trung. Tôi nghĩ rằng đó là một cuộc tranh luận ngớ ngẩn và sẽ không đi đến đâu”, nhà kinh tế trưởng của Moody’s nói.
Các chuyên gia khác cũng cảnh báo rằng việc đàm phán với Trung Quốc chỉ tập trung vào một con số USD thương mại nào đó không phải là giải pháp bền vững trong dài hạn. Theo ông Frank Lavin, cựu thư ký thương mại quốc tế của Mỹ, nói với CNBC hôm 21.5 rằng cái nhìn hạn hẹp vào tình trạng mất cân bằng thương mại sẽ khiến những vấn đề thích hợp hơn bị bỏ lỡ.
“Nếu Trung Quốc chịu chi tiền ra cho bạn, hãy cẩn thận. Họ đang muốn dùng tiền để tránh khỏi những rắc rối. Tôi muốn nói là chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào những thay đổi cơ cấu, mở cửa thị trường, tạo sân chơi công bằng, bình đẳng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ đầu tư”, ông Lavin cho hay.
“Thành công và hiệu quả”
Song, trong khi đó cũng có một số quan chức chính quyền cho rằng kết quả đàm phán là điều tích cực cho Mỹ. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc mô tả cuộc đàm phán là “thực tế và hiệu quả”, sự thay đổi rõ rệt so với một thái độ trước đó đã khiến ông Trump phải “nghi ngờ” về thành công của các cuộc đàm phán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.