Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 4.12 nhằm quyết định cải tổ hiến pháp, theo đó cắt giảm số lượng nghị sĩ. Thủ tướng Ý Matteo Renzi là người theo phe Yes (đồng ý sửa đổi) và từng tuyên bố sẽ từ chức nếu phe Yes thất bại.
Tuy nhiên kết quả trưng cầu dân ý cho thấy có 59,5% người dân không ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp. Các lãnh đạo đối lập đã ngay lập tức kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm, theo AP ngày 5.12.
Hai trong số các lãnh đạo của Phong trào 5-Sao, một đảng phái dân tuý và chống châu Âu, là Vito Crimi và Danilo Toninelli đã tuyên bố rằng với cuộc bỏ phiếu trưng cầu, người dân Ý đã bày tỏ tín hiệu chính trị rõ ràng, đó chính là nhanh chóng tiến hành cuộc bầu cử.
Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, ông Renzi tuyên bố sẽ giữ lời hứa từ chức. Tuyên bố này cũng được ông đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Sergio Mattarella tại phủ tổng thống ở thủ đô Rome vào chiều 5.12.
tin liên quan
Thủ tướng Ý tuyên bố từ chức sau thất bại sửa đổi hiến phápLại thêm một thủ tướng tuyên bố từ chức trong sáng 5.12, lần này là Thủ tướng Ý Matteo Renzi ngay sau khi ông thừa nhận thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp.
Tuy nhiên, thất bại này được cho là sẽ kéo nước Ý, nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu, vào chỗ bất ổn về chính trị lẫn kinh tế, vì vậy nên ông Mattarella yêu cầu ông Renzi giữ nguyên chức vụ thêm một thời gian nữa, cho đến khi dự thảo về ngân sách năm 2017 được thông qua. Một số quan chức Ý cho hay quốc hội có thể thông qua dự luật ngân sách sớm nhất là cuối tuần này.
Tổng thống có thể yêu cầu một nhân vật nào đó, có thể là thuộc đảng Dân chủ của ông Renzi, đảng lớn nhất trong quốc hội, thành lập chính phủ và điều hành đất nước ít nhất là trong vài tháng nữa. Tuy nhiên, ông Renzi được cho là nhận thức rõ việc tiến hành bầu cử sớm sẽ có lợi hơn và không gây nguy cơ làm cử tri giận dữ.
Ngoài ra, lãnh đạo các đảng đối lập, trong đó có cựu thủ tướng Silvio Berlusconi đang liên tục thúc giục tiến hành bầu cử sớm, trong khi quốc hội hiện tại đến đầu năm 2018 mới mãn nhiệm.
|
Ông Berlusconi bị buộc từ chức vào năm 2011 giữa những lo ngại từ cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng nợ công ở Ý. Người lên thay là ông Mario Monti, không qua bầu cử. Sau khi chính quyền Monti không giải quyết được tình hình, đảng viên Dân chủ Enrico Letta được bầu làm thủ tướng.
Ông Renzi sau đó với vai trò là lãnh đạo đảng Dân chủ, được cho là đã dùng quyền lực để hất cẳng ông Letta và giữ chức thủ tướng từ tháng 2.2014, theo AP.
Cựu thủ tướng Berlusconi ngày 5.12 nói rằng "chúng tôi chắc chắn rằng tổng thống biết làm cách nào để chọn ra phương cách chính xác nhất để đãm bảo với người dân Ý về khả năng bỏ phiếu và chọn ra thủ tướng, sau 3 chính phủ không được bầu cử gần nhất".
Bình luận (0)