Tổng thống Zelensky chơi 'tất tay' với Nga ?

08/01/2025 05:55 GMT+7

Việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết định tấn công Kursk của Nga được đánh giá như một ván bài sống còn của Kyiv nhằm tìm kiếm nhiều lợi thế hơn trước khi đàm phán với Moscow.

Tờ The Guardian hôm qua (7.1) dẫn thông báo từ phía Nga cho biết Ukraine đã phát động một cuộc tấn công mới ở khu vực Kursk ở phía tây nước Nga.

Tổng thống Zelensky chơi 'tất tay' với Nga ?- Ảnh 1.

Quân đội Ukraine tại khu vực gần biên giới Nga vào năm 2024

Ảnh: Reuters

Vai trò của cuộc chiến ở Kursk

Kursk là nơi quân đội Nga đã cố gắng đẩy lùi các lực lượng Ukraine trong 5 tháng qua. Ngày 6.1, Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng nước này đánh bại phía Ukraine. Trong khi đó, các blogger quân sự Nga thông tin giao tranh dữ dội và Moscow chịu áp lực nặng nề. Còn Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết 42 cuộc giao tranh đã diễn ra vào ngày 5.1 ở khu vực Kursk, và 12 vụ vẫn tiếp diễn. Tháng 8.2024, Ukraine đã tiến hành một cuộc đột kích xuyên biên giới vào khu vực Kursk và quân đội Nga kể từ đó chỉ chiếm lại khoảng 40% lãnh thổ đã mất.

Trả lời Thanh Niên hôm qua (7.1), chuyên gia tình báo quân sự Mỹ Carl O.Schuster đánh giá: "Có lẽ, trước khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhậm chức, Tổng thống Zelensky hy vọng sẽ giành lại được khu vực chiến thuật quan trọng đã mất vào tay Nga hồi mùa hè năm ngoái. Ông Zelensky muốn củng cố vị thế đàm phán trước khi ông Trump đưa ra bất kỳ sáng kiến ngừng bắn và đàm phán hòa bình nào đối với cuộc xung đột Ukraine".

Trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, xung đột Ukraine liên tục leo thang. Cuối tháng 11.2024, sau khi được Mỹ cho phép dùng vũ khí tầm xa do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, Kyiv đã phóng nhiều tên lửa ATACMS nhằm vào Nga. Nhưng sau đó, Moscow đã đáp trả bằng cách phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) bội siêu thanh Oreshnik để tấn công Ukraine. Đó là lần đầu tiên Nga sử dụng IRBM bội siêu thanh để tấn công Ukraine kể từ khi bùng nổ xung đột Ukraine. Đồng thời, Nga cũng tiến hành tấn công mạnh mẽ nhằm vào Ukraine.

Trong phân tích gửi đến Thanh Niên khi đó, chuyên gia của Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, so sánh những gì đang diễn ra ở cuộc xung đột Ukraine như nỗ lực của hai đội bóng vào những phút cuối của trận đấu. "Tiếng còi của trận đấu sẽ sớm vang lên sau ngày 20.1.2025 (khi ông Trump nhậm chức)", chuyên gia của Eurasia Group (Mỹ) phân tích.

Thực tế, ông Trump đang nắm các "lá bài" đầy ý nghĩa để gây sức ép với cả Kyiv lẫn Moscow để thúc ép hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Nên cả hai bên đều đang muốn chiếm nhiều ưu thế hơn trên chiến trường ngay trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Đây chính là động lực để ông Zelensky sẵn sàng chơi "tất tay" trước khi "hồi còi kết thúc trận đấu vang lên".

Ukraine 'đặt cược' lần cuối ở Kursk trước khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ?

Tương quan thế trận

Phân tích về chiến sự ở Ukraine, chuyên gia Schuster đánh giá: "Mọi dấu hiệu đều cho thấy Ukraine đang nhắm vào các điểm mạnh của Nga bằng pháo hạng nặng và các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác. Nhiều khả năng, Ukraine cũng sẽ nhắm vào các vị trí được cho là nơi có mặt của binh sĩ Triều Tiên. Thực tế, lực lượng binh sĩ Triều Tiên hiện tại chưa có kinh nghiệm chiến đấu và khó đủ sức sinh tồn trong các cuộc tấn công bằng pháo hạng nặng. Lực lượng này cũng sẽ dễ bị bất ổn hơn bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Tôi tin rằng Ukraine sẽ đạt được một số thành công ban đầu nhưng phải tránh vượt quá phạm vi hoạt động. Ukraine nên chiếm lĩnh địa hình chính, không tiến xa hơn và chuẩn bị tiến hành phòng thủ cơ động chống lại cuộc phản công của Nga sẽ diễn ra vào tháng 2".

Tuy nhiên, chuyên gia Schuster cũng đặt ra vấn đề: "Tổng thống Zelensky có thể lặp lại sai lầm vào năm 2023 và cố gắng tiếp tục cuộc tấn công vượt ra ngoài những thành quả ban đầu đó. Điều đó sẽ khiến quân Ukraine chịu thương vong quá mức có thể". Sai lầm mà vị chuyên gia đề cập chính là việc Ukraine năm 2023 đã tổ chức phản công mạnh nhằm vào Nga, nhưng lại không thành công và thậm chí thiệt hại nặng do dàn trải lực lượng quá rộng, trong khi Moscow chiếm ưu thế về pháo binh hạng nặng và tên lửa.

Cựu đại tá Schuster phân tích thêm: "Những cơn mưa bắt đầu vào tháng 3 sẽ hạn chế các hoạt động quân sự, nên thời điểm của cuộc phản công này gần như hoàn hảo. Nga chỉ có 3 - 5 tuần để tái triển khai lực lượng nhằm ngăn chặn bước tiến của quân Ukraine và giành lại lãnh thổ đã mất".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.