Công văn này đã được gửi đến các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để đôn đốc các thành viên trong đoàn của mình.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, qua theo dõi thực tế và báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, một số phiên họp tại hội trường có số đại biểu vắng mặt nhiều hơn 20% tổng số đại biểu Quốc hội, trong đó có đoàn vắng trên 50% số đại biểu.
Do đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã phải đề nghị các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố "giúp đôn đốc, nhắc nhở" các vị đại biểu Quốc hội trong đoàn thu xếp công việc, tham dự đầy đủ các phiên họp, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, trách nhiệm của đại biểu theo quy định.
Đáng chú ý, đây là việc mà Tổng thư ký Quốc hội thường phải làm trong các kỳ họp. Tháng 9.2017, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 4, Tổng thư ký Quốc hội cũng đã phải “đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các vị trưởng đoàn quán triệt đến đại biểu Quốc hội nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để tham dự đầy đủ các phiên họp của Quốc hội”, vì tại một số phiên họp, số đại biểu vắng quá nhiều.
Lúc đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thậm chí còn đề nghị Quốc hội cân nhắc việc thông báo công khai trên bảng điện tử các đại biểu vắng họp để cử tri được biết, để các đại biểu không có lý do bất khả kháng chăm đi họp hơn.
Năm 2016, cử tri cả nước đã xôn xao về việc đại biểu Quốc hội ngủ gật. Thậm chí, khi đi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn được cử tri đề nghị nhắc các đại biểu đừng ngủ gật.
Trước nữa, vào kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 13, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã phải lưu ý các đại biểu cần dành thời gian tối đa cho kỳ họp, không được vắng họp vì những lý do không chính đáng.
Đã có lần, Quốc hội phải thông qua luật với hơn 100 vị đại biểu vắng họp, tức hơn 20% đại biểu.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu vắng họp là có lý do, vì phải làm nhiều việc. Trong các đại biểu Quốc hội, có khoảng 70% là kiêm nhiệm, ngoài họp Quốc hội, khoảng 300 đại biểu còn phải làm các công việc trong chức trách của họ. Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền trao đổi với Thanh Niên sáng 5.6 cũng cho rằng, việc “đại biểu kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách” gây ảnh hưởng đến chất lượng làm luật của Quốc hội.
Bình luận (0)