Tột cùng của sự phù phiếm

27/01/2014 05:17 GMT+7

(TNTS) Chúng ta từng có “người đàn bà đẹp” Julia Roberts. Bây giờ, chúng ta có thêm “người đàn bà phù phiếm” Cate Blanchett.

Tột cùng của sự phù phiếm
Cate Blanchett vai Jasmine và Alec Baldwin vai Hal trong Blue Jasmine - Ảnh: Bloomberg

Có thể hiểu được lý do tại sao Cate Blanchett qua mặt nổi Sandra Bullock để dành được Quả cầu vàng năm nay, và hiện tại, họ lại tiếp tục gặp nhau ở đường đua Oscar 86. Mặc dù vai diễn của Sandra Bullock trong Gravity rất đặc biệt khi cô gần như phải độc diễn suốt phim song xét ở góc độ tâm lý, Cate Blanchett rõ ràng may mắn hơn khi có được vai diễn đa chiều trong Blue Jasmine.

Hơi khác với những phim gần đây của Woody Allen, Blue Jasmine mang màu sắc bi đát hơn là chất bi hài thường bắt gặp ở “lão già tai quái” này. Khi Blue Jasmine ra mắt, nhiều người nhận ra sự tương đồng giữa nó và vở kịch A Streetcar Named Desire do Tennessee Williams biên soạn từng được lên màn ảnh rộng vào năm 1951. Trong phim A Streetcar Named Desire, Vivien Leigh thủ vai người đàn bà phù phiếm Blanche DuBois, vai diễn này đem về cho nữ minh tinh Gone With The Wind tượng vàng Oscar thứ hai xuyên suốt sự nghiệp diễn xuất của mình. Blue Jasmine đôi chỗ vượt qua ngưỡng phù phiếm ấy, như tờ The New York Times đã bình về vai diễn Jasmine của Cate Blanchett rằng: “Một người đàn bà sống trong ảo ảnh chưa từng cảm nhận thực tế”. Nếu Blanche của Vivien Leigh là người đàn bà luôn muốn rũ bỏ quá khứ bằng phù phiếm thì Jasmine của Cate Blanchett lại là người đàn bà đang chìm đắm trong quá khứ cũng bằng phù phiếm. Mà dĩ nhiên, muốn phù phiếm thì trước hết phải thật đẹp. Xét về mặt nhan sắc, “tiên nữ Galadriel” Cate Blanchett hay vẻ kiêu sa của những bộ cánh nàng bận lên người quá đủ sức thuyết phục người xem. Vì nàng đẹp nên nàng mặc nhiên sống giữa nhung lụa cho tới một ngày kia, FBI còng tay ông chồng giàu của nàng giải đi. Từ giã đời sống thượng lưu ở New York để chạy về vùng San Francisco ở nhờ nhà em gái trong tình trạng khánh kiệt, thế nhưng nàng vẫn ngoan cố không chịu thoát ra khỏi ám ảnh bởi những chiếc đầm Dior, túi xách Chanel, thắt lưng Hermes... và luôn luôn nhớ tới ly Stoli Martini nồng nàn của ngày xưa cũ. Một người phụ nữ phá sản đi máy bay hạng nhất, mơ mộng công việc thiết kế nội thất, từ chối hẹn hò với bọn thất phu. Nàng ngồi đó, tại San Francisco, uống thứ nước gọi là vodka rồi giương mắt nhìn lũ đàn ông cục súc một cách dè chừng. Chợt nhớ đến câu ai đấy đã nói rằng, tận cùng của giả dối chính là quên đi sự thật.

 

Nàng ngồi đó, tại San Francisco, uống thứ nước gọi là voDka rồi giương mắt nhìn lũ đàn ông cục súc một cách dè chừng. Chợt nhớ đến câu ai đấy đã nói rằng, tận cùng của giả dối chính là quên đi sự thật

Woody Allen chẳng hề chiều chuộng nhân vật của ông lấy một lần, ngoài việc ban tặng nàng ta nhan sắc diễm kiều. Những cú đáp xuống thực tế được đẩy lên cao, không phải cho nàng mà dành cho khán giả.

Còn với Jasmine, ngay cái đặc ân sáng suốt nhìn thẳng vào thực tế cũng không có được. Ai cũng thấy được bi kịch của Jasmine, chỉ riêng nàng là chọn từ chối tiếp cận nó mà quay cuồng dấn thân vào quá khứ. Cách Woody Allen đối xử với Jasmine làm người xem nhớ đến phát súng bắn thẳng vào ngực Nola trong Match Point năm nào, lạnh lùng, dứt khoát. Kết cục của nhân vật chính một lần nữa khẳng định mối liên quan giữa Blue Jasmine A Streetcar Named Desire, không phải hành trình hóa điên của hai nhân vật nữ mà chính là sự lì lợm của cái tôi ảo vọng. Jasmine, người đàn bà thích thao thao bất tuyệt về người chồng thành đạt kèm theo giai điệu Blue Moon sang trọng ngày đầu hai người gặp gỡ và dám thề rằng, dù trời có sập xuống đi nữa thì nàng ta cũng tuyệt đối không bao giờ hé môi nói về câu chuyện bẽ bàng của đời mình. Mới thấy, đàn bà đúng là sinh vật phù phiếm nhất thế gian, như việc sẵn sàng khai tử cái tên Jeannett mộc mạc để khoác lên mình cái tên Jasmine, bông hoa nhài xanh đài các. Một cuộc đời phù phiếm đến cực đoan.

Hy vọng, sự phù phiếm ấy sẽ đem về cho Cate Blanchett thêm một tượng vàng Oscar hoàn toàn không phù phiếm sau rất nhiều nỗ lực.

Nhiều nhận định đánh giá, khó ai có thể làm tốt vai Jasmine hơn Cate Blanchett được, lần này không phải từ nhan sắc. Gò má cao, đôi mắt dại và vành môi hé mở mà theo lời tay nha sĩ Flicker diễn đạt là nơi chứa đựng số phận mỗi con người, Cate Blanchett đã toát lên hết cái thần của một người đàn bà hoảng loạn cùng cực dưới vũng lầy cuộc sống. Ở Jasmine, người ta nhìn thấy sự tham lam, sự yếu đuối, sự ích kỷ, sự độc ác, sự đáng thương... của một người đàn bà rất đời thường.

Ngân Vi

>> Oscar 2014: ‘Hắt hủi’ nhiều phim nước ngoài sáng giá
>> Cate Blanchett lần đầu làm đạo diễn
>> Cate Blanchett “sợ” phẫu thuật thẩm mỹ
>> Cate Blanchett đóng phim mới
>> Cate Blanchett có thể sẽ đóng phim Indiana Jones

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.