Toyota cố gắng chế tạo nam châm ít phụ thuộc vào khoáng sản Trung Quốc

25/02/2018 17:10 GMT+7

Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã chế tạo một thành phần chủ chốt được dùng trong xe điện chỉ sử dụng một lượng nhỏ các nguyên tố hiếm, một thị trường nguyên liệu chủ yếu do Trung Quốc kiểm soát.

Theo CNBC, Toyota đã thiết kế một loại nam châm mới với lượng các nguyên tố đất hiếm được cắt giảm xuống còn một nửa. Cụ thể, nam châm mới không sử dụng các nguyên tố đất hiếm đắt tiền terbium và dysprosium và chỉ sử dụng ít nguyên tố neodymium đang ngày càng phổ biến. Điều này có thể giúp giảm chi phí sản xuất pin điện và giảm phụ thuộc vào các nguyên tố đất hiếm vốn chịu sự chi phối rất lớn từ Trung Quốc.
Nam châm mới dự kiến sẽ sử dụng động cơ có công suất cao trên các xe điện, hệ thống trợ lực điện, robot và các thiết bị điện gia đình. Toyota có kế hoạch đưa loại nam châm này vào trong các động cơ xe điện vào cuối năm 2025.
Các nguyên tố đất hiếm là chìa khóa trong sản xuất điện tử và được sử dụng rộng rãi trong một loạt các thiết bị, chẳng hạn như điện thoại thông minh, ô tô và công nghệ quân sự. Đặc biệt, đất hiếm còn được dùng trong việc thiết kế các nam châm công suất cao được tìm thấy trong động cơ điện cho ô tô, máy hút chân không, tuabin gió và các loại máy khác. Khoảng 30% nguyên tố được sử dụng trong các loại nam châm nói trên là nguyên tố đất hiếm, Toyota cho biết.
Trung Quốc bắt đầu nắm quyền kiểm soát thị trường đất hiếm kể từ giữa những năm 1980. Nhiều chuyên gia ước tính rằng hiện nước này kiểm soát từ 90% đến 95% lượng cung đất hiếm ở hầu hết khắp mọi nơi. Sự kiểm soát đó đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Trung Quốc có khả năng điều chỉnh việc tiếp cận các nguyên vật liệu cần thiết đối với nhiều lĩnh vực sản xuất công nghệ hoặc có thể gây nguy cơ cho nguồn cung toàn cầu.
Ví dụ, dysprosium và terbium tương đối đắt và chịu “rủi ro về địa chính trị”, Toyota cho biết trong một báo cáo. Giá cả của dysprosium đã tăng lên vào năm 2017, nguyên nhân một phần là do chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu phá vỡ các hoạt động khai thác bất hợp pháp. Neodymium tương đối dồi dào, nhưng Toyota lo ngại rằng nhu cầu về xe điện, kể cả xe hybrid và pin, có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung sau này. Các loại đất hiếm này hoàn toàn có thể trở nên đắt đỏ khi nhu cầu điện tử tăng cao.
Hiện Toyota đã thay thế một lượng neodymium bằng các thành phần chi phí thấp như lanthanum và cerium nhằm “góp phần làm giảm nguy cơ gián đoạn nguồn cung và chi phí đất hiếm tăng giá khi nhu cầu lên cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.