Khi vụ bê bối liên quan đến công ty Daihatsu gian lận thử nghiệm an toàn trên xe Toyota chưa kịp lắng xuống, tập đoàn Toyota tiếp tục trở thành tâm điểm của ngành ô tô toàn cầu khi bị phát hiện những bất thường về chứng nhận đối với động cơ diesel do chi nhánh Toyota Industries phát triển.
Theo đó, mới đây một Ủy ban điều tra đặc biệt đã phát hiện những bất thường trong quá trình thử nghiệm công suất đầu ra để cấp giấy chứng nhận cho ba mẫu động cơ diesel gồm: động cơ mã 1GD, 2GD và F33A. Những động cơ này do chi nhánh Toyota Industries phát triển và lắp trên nhiều mẫu xe khác nhau của Toyota phân phối trên toàn cầu, bao gồm: xe bán tải Hilux, mẫu SUV - Fortuner, Innova, Land Cruiser (LC300) và cả dòng xe LX500D của thương hiệu xe sang Lexus.
Theo Motor1, nguyên nhân được cho là ECU của các động cơ diesel do Toyota Industries đưa ra để thử nghiệm sử dụng các phần mềm để đo công suất đầu ra khác với phần mềm trên các mẫu xe được sản xuất thương mại. Điều này dẫn tới các thông số trên bản thử nghiệm được cấp chứng nhận khác biệt với thông số khi sản xuất hàng loạt.
Toyota cho biết, họ đã tìm cách giải thích cặn kẽ vấn đề với cơ quan chức năng và sẽ thực hiện các biện pháp như tiến hành các cuộc kiểm tra chứng nhận động cơ mới trước sự chứng kiến của các cơ quan quản lý nếu cần.
Theo Toyota Industries, công ty đã sản xuất cung cấp cho Toyota khoảng 84.000 động cơ diesel bị ảnh hưởng trong năm tài chính được tính đến ngày 31.3.2023. Toyota đã đưa ra quyết định tạm ngừng sản xuất 10 mẫu xe sử dụng 3 động cơ diesel bị cáo buộc có vấn đề liên quan đến những bất thường thử nghiệm và cấp chứng nhận. Trong số các mẫu xe sẽ tạm ngừng hoạt động có mẫu xe bán tải đình đám Hilux, Land Cruiser 300… Toyota không cho biết có bao nhiêu xe bị ảnh hưởng. Riêng tại Nhật Bản, Toyota đã dừng sản xuất 6 dây chuyền tại 4 nhà máy.
Bộ giao thông vận tải Nhật Bản cho biết, trong một tuyên bố rằng mới đây, họ đã yêu cầu Toyota Industries giải quyết vấn đề quản lý yếu kém trong việc thử nghiệm động cơ, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ tiến hành kiểm tra và đưa ra các hình phạt. Cơ quan này cho biết: "Gian lận là hành động làm suy yếu niềm tin của người dùng và làm lung lay nền tảng của hệ thống chứng nhận ô tô".
Tại một cuộc họp báo mới đây, ông Koichi Ito - Giám đốc điều hành Toyota Industries, đã xin lỗi về những rủi ro này. Ông nói: "Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì điều này là do Toyota Industries Corp gây ra. Nguyên nhân của vấn đề là do cấu trúc hệ thống công ty của chúng tôi".
Tại Việt Nam, Toyota hiện đang phân phối Toyota Land Prado, Land Cruiser, Fortuner... Tuy nhiên, theo nguồn tin của Thanh Niên, các xe Toyota phân phối tại Việt Nam không nằm trong diện bị ảnh hưởng.
Bình luận (0)