TP.HCM: 3 bệnh viện tiên phong xây dựng phần mềm quản lý hiến ghép thận

Lê Cầm
Lê Cầm
23/06/2022 16:21 GMT+7

Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất và Nhi đồng 2 phối hợp xây dựng phần mềm, điều phối liên viện về hiến và ghép thận với mục tiêu mang lại sự minh bạch, khách quan, hạn chế tình trạng mua bán tạng.

Ngày 23.6, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết phần mềm tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn và điều phối mô tạng hiến được 3 bệnh viện phối hợp xây dựng, trong đề án nghiên cứu của Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM.

"Đây là tâm huyết, mong ước rất lớn của nhiều chuyên gia đầu ngành về hiến ghép tạng, ấp tủ từ 15 năm về trước, trong đó có Giáo sư Trần Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội niệu thận TP.HCM. Do đó có thể thấy việc hình thành nên mạng lưới điều phối cấy ghép tạng rất nhiêu khê", bác sĩ Thu chia sẻ.

Theo bác sĩ Thu, người bệnh ai cũng mong muốn minh được điều trị tốt nhất, người có điều kiện tìm mối quan hệ để chăm sóc tốt nhất. Nhưng mô tạng hiến có hạn vì xuất phát từ cơ thể con người. Đặc biệt với mô tạng được cho người hiến đã chết, họ muốn để lại cho cộng đồng đó là món quà vô giá. Do đó nhiệm vụ của nhân viên y tế phải làm thế nào để rõ ràng minh bạch trong việc tiếp nhận điều phối tạng, làm thế nào để tất cả bệnh nhân suy cơ quan được cấy ghép tạng một cách công bằng.

Với phần mềm mới ra đời, việc lựa chọn người đủ điều kiện để được ghép tạng hiến sẽ không có sự can thiệp của con người mà hoàn toàn tự động. Mọi người đều có thể tham gia vào quá trình tuyển chọn này thông qua đường link: http://dieuphoigheptangtphochiminh.vn/.

Khi truy cập trang web này, người dùng có thể đăng ký hiến tạng, chờ ghép, tìm hiểu thông tin chính thông về hiến ghép tạng. Khi người đăng ký đủ điều kiện thông tin sẽ được chuyển sang hệ thống khác, khi có người hiến phù hợp những người bệnh này sẽ được tham gia chọn phép tạng.

Một bệnh nhân được ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy

bvcc

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trước đây việc tiếp nhận, quản lý, điều phối hiến ghép thận ở các bệnh viện đều được thực hiện bởi con người, khó tránh khỏi sai sót, cảm tính, thậm chí không khách quan, minh bạch, "quen thì ghép sớm không quen thì ghép muộn".

Trước thực tế khách quan này cũng khiến nhiều người cảm thấy lo lắng việc tạng hiến có bị mua bán hay không, hoặc điều phối hiến ghép tạng có được khách quan

"Nhưng giờ đây với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, quản lý và điều phối sẽ giúp mã hóa tất cả các thông tin của người chờ và người hiến, do đó dù có muốn người thân quen được ghép sớm cũng không được" - bác sĩ Thức khẳng định.

Cùng quan điểm, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết vấn đề minh bạch ghép tạng, chống buôn bán tạng rất quan trọng. Đây là nhu cầu thực tế của ngành ghép tạng Việt Nam. Hiện ở Bệnh viện Nhi đồng 2 với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các chuyên gia, bệnh viện đã thực hiện 21 ca ghép tạng.

"Từ trước đến nay các ca ghép gan, ghép thận tại bệnh viện Nhi Đồng 2 từ thận từ người cho sống cùng huyết thống có hội đồng y đức xét duyệt nên chưa phát sinh vấn đề thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên hiện nay số trẻ suy thận, suy gan giai đoạn cuối đang chờ được ghép tạng ngày càng tăng, phải mở rộng nguồn tạng từ người ghép chết não, do đó phần mềm quản lý giúp minh mạch, khách quan, công bằng rất cần thiết", bác sĩ Thạch chia sẻ.

Theo PGS-TS Thái Minh Sâm, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thận khoảng 1.100 ca và đã có 300 trẻ được sinh ra từ những người ghép thận. Trung bình 1 tháng, bệnh viện ghép từ 8 - 10 ca.

Cùng ngày, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, bệnh viện đã ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân 17 tuổi, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện đặt ra mục tiêu là ghép thận thường quy, ban đầu có sự hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy (10 ca).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.