TP.HCM: 544 vụ tai nạn lao động trong năm 2021, chủ yếu ở sản xuất công nghiệp

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
27/02/2022 12:07 GMT+7

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trong năm 2021, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 544 vụ tai nạn lao động, chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như may trang phục; sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại...

Ngày 27.2, tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, năm 2021, Sở này đã tiếp nhận và tổng hợp báo cáo tình hình tai nạn lao động của 4.269 doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sử dụng lao động có trụ sở chính đặt trên địa bàn TP.HCM.

Thống kê cho thấy, trong năm 2021, tại TP.HCM xảy ra 544 vụ tai nạn lao động (giảm 462 vụ so với năm 2020, tỷ lệ giảm 46%).

Số người lao động thương vong là 549 người (giảm 481 người so với năm 2020, tỷ lệ giảm 46%).

Đơn cử, Q.1 xảy ra 32 vụ tai nạn làm 6 người mất và 8 người bị thương nặng; Q.7 xảy ra 87 vụ với 1 người mất và 7 người bị thương nặng; TP.Thủ Đức xảy ra 118 vụ làm 4 người mất...

Khi phân tích, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định tình hình tai nạn lao động trên địa bàn xảy ra chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như may trang phục; gia công, sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại; sản xuất giày, dép; sản xuất va li, túi xách, yên đệm, sơ chế và nhuộm da lông thú...

Đồng thời, TP.HCM ghi nhận tình hình tai nạn lao động nghiêm trọng trong lĩnh vực thi công xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ cao, cụ thể có 16/52 vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trong năm 2021 (chiếm tỷ lệ 31%).

An toàn lao động là vấn đề cần được chú trọng để giảm thiểu xảy ra tai nạn

n.P

Vi phạm nội quy an toàn lao động

Qua tổng hợp cho thấy những yếu tố gây chấn thương chủ yếu của các vụ tai nạn lao động bao gồm phương tiện vận tải đường bộ; máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn; va đập, mắc kẹp giữa vật thể; ngã từ trên cao.

Trong đó, tai nạn lao động chết người chủ yếu do rơi ngã, tiếp xúc với điện từ trường...

Phân loại theo nhóm ngành nghề, những công việc xảy ra tai nạn lao động gồm: thợ chế biến lương thực, thực phẩm, đồ gỗ, hàng dệt, may, da, giày (204 người, chiếm tỷ lệ 37%); lao động giản đơn; thợ vận hành máy móc, thiết bị sản xuất; thợ gia công kim loại, thợ cơ khí và thợ khác có liên quan; thợ xây dựng...

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động là do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn với 217 vụ, chiếm tỷ lệ 40%.

Đồng thời, tổng số tiền thiệt hại do tai nạn lao động (gồm chi phí y tế, chi phí trả lương trong thời gian điều trị, chi phí bồi thường trợ cấp) là hơn 12,6 tỉ đồng.

Trước đó, giữa tháng 2.2022, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý để đăng ký nhu cầu sử dụng kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro năm 2022 theo Nghị định 88/2020 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.