Những lời chào đặc biệt
Anh Nguyễn Văn Khiển (31 tuổi, điều dưỡng Khoa Ngoại Tiết niệu, BV Quân y 175) cùng vợ là chị Nguyễn Phương Loan (25 tuổi, kiểm toán viên) cùng tham gia lễ cưới tập thể của những cán bộ, nhân viên y tế BV Quân y 175 tham gia chống dịch Covid-19 vừa qua tại TP.HCM.
Anh Khiển 2 lần tham gia chống dịch tại TP.HCM và từng trở thành F0 |
nvcc |
Ngày 11.8.2021, anh Khiển nhận nhiệm vụ chống dịch tại trung tâm điều trị Covid-19 của BV Quân y 175. Nhiệm vụ của anh là chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân mắc Covid-19 ở khu nặng và nặng vừa. Cuối tháng 10, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại trung tâm, anh tiếp tục tham gia hỗ trợ F0 điều trị tại nhà trên địa bàn Q.Bình Tân theo lời kêu gọi của thành phố.
Anh Khiển cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, thời tiết nắng nóng nhưng anh luôn cố gắng hết mình hoàn thành nhiệm vụ. Chăm sóc từng bệnh nhân, nhìn thấy họ hồi phục, được trở về với gia đình, anh nhận ra khoảng thời gian chống dịch có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống của mình.
Đợt đầu, anh tham gia chống dịch tại khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 vừa và nặng |
nvcc |
“Lúc đầu khi nghe tôi nói đi chống dịch, vợ cũng buồn. Tôi nói rằng bản thân làm trong môi trường nhà nước, môi trường quân đội, có sức khỏe nên càng phải cống hiến để đất nước sớm ổn định, nghe vậy vợ tôi cũng ủng hộ quyết định này. Sau mỗi ca trực, chúng tôi đều nói chuyện qua điện thoại cho đỡ nhớ, có thêm tinh thần làm việc”, anh Khiển cho biết.
Cũng theo anh Khiển, vợ anh ở gần tòa nhà anh sống. Mỗi sáng anh đi trực, chị ở tầng 5 thường chạy ra ban công phía trước, anh ở dưới đất nhìn lên, hai người chào nhau để vơi đi nỗi buồn xa cách.
Vợ anh ở gần với khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Thời gian đầu, chị nghe tiếng máy thở, máy bơm kim điện kêu chị rất sợ. “Tôi cũng hơi cứng nhắc, ít nghe lời “bánh bèo” nên hai vợ chồng chỉ nói chuyện đi làm, đi trực với nhau. Mỗi ca trực 8 tiếng, cứ 6 rưỡi sáng tôi đi trực vợ đã đứng ngoài ban công chờ. 2 giờ chiều tôi về luôn thấy vợ đứng trên lầu, chào nhau rồi mới về. Có lúc bận việc 3 giờ chiều tôi mới về vẫn thấy vợ đứng chờ ở đó, hỏi sao tôi mãi chưa về”, anh Khiển tâm sự.
Tuyến đầu chống Covid-19 chụp ảnh cưới tập thể trên sân đậu trực thăng |
Mối tình giản dị
Khoảng tháng 10.2019, anh Khiển và chị Loan tình cờ quen nhau trong một lần chị đưa người thân đến khoa anh thăm khám. Hai người có số điện thoại nên thường xuyên trò chuyện, nhắn tin qua lại. Dần dần, giữa hai người nảy sinh tình cảm, họ chính thức yêu nhau vào đầu năm 2020.
Anh Khiển và chị Loan vô tình quen nhau vào tháng 10.2020 |
nvcc |
“Chúng tôi gặp nhau rất ít, vì mỗi người ở một nơi, tôi ở Sài Gòn, cô ấy ở Đà Nẵng. Sau này khi cô ấy vào Sài Gòn, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ nhau nhiều hơn. Tôi nhớ đêm 31.12, sau khi vợ tôi kiểm kê kho khách hàng xong đã 2 giờ sáng, tôi đón cô ấy về nhưng muộn quá nên cả hai đón Tết, thức trắng đêm ở một quán cà phê có tên là “Thức”. Đó cũng là một trong những kỷ niệm mà tôi nhớ nhất”, anh nói.
Khi tham gia hỗ trợ người dân điều trị Covid-19 ở Q.Bình Tân, anh không may trở thành F0. Vợ anh dù không tham gia chống dịch nhưng cũng mắc Covid-19, anh chị ở cùng khu điều trị. Anh luôn giữ vững tinh thần, tích cực tập luyện thể dục, vợ anh không có triệu chứng nên ít ngày sau họ âm tính trở lại. Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngắn ngủi, anh chị đăng ký kết hôn. Họ chính thức trở thành vợ chồng vào ngày 22.12.2021.
“Khi Ban Giám đốc thông báo về tổ chức đám cưới tập thể, tôi rất vui vì trước đó hai vợ chồng chưa tổ chức đám cưới, chỉ mới đăng ký kết hôn. Lúc đầu vợ cũng hơi băn khoăn, hơi ngại khi tổ chức cùng nhiều người lạ nhưng tôi nói rằng xem đó như là kỷ niệm với những người đồng nghiệp cùng tham gia chống dịch càng vui, càng ý nghĩa nên vợ cũng đồng ý”, anh Khiển nói.
Hai người luôn chia sẻ, thấu hiểu công việc với nhau |
nvcc |
Với chị Loan, anh Khiển là người chu đáo. Anh hơn chị nhiều tuổi nên chị thường học các kinh nghiệm sống, cách đối xử với mọi người từ anh. Tham gia chống dịch, anh ở khu riêng biệt, không tiếp xúc trực tiếp với mọi người nên mỗi khi nhìn thấy anh, chị đều hỏi thăm từ xa để tiếp thêm tinh thần cho anh.
“Đợt đầu anh xung phong đi tôi cũng lo dù thời điểm đó anh đã tiêm 2 mũi vắc xin. Mỗi lần đi trực về anh đều gọi điện thấy anh mệt, tôi cũng thấy tội, thấy xót, đi trực mặc đồ bảo hộ, mồ hôi ra nhiều khiến tay nhăn nheo nhưng cũng chỉ biết động viên để anh cố gắng. Lúc anh ở trung tâm về, thành phố tiếp tục kêu gọi đi chống dịch, khi đó tôi đỡ lo nhưng cuối cùng anh vẫn bị nhiễm. Tôi bị trước nên cả hai ở cùng khu điều trị, cùng nhau nhắc nhở để sớm khỏi bệnh”, chị Loan chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Gấm (72 tuổi, mẹ anh Khiển) bày tỏ sự vui mừng khi đám cưới của con trai được tổ chức cùng đồng nghiệp, mọi người trong bệnh viện. Do khoảng cách đi lại xa xôi nên vợ chồng bà không thể tham dự nhưng bà rất phấn khởi khi con trai út sẽ có đám cưới đặc biệt.
“Mừng lắm, vợ chồng tôi già rồi không biết nói gì hơn chỉ mong con cái lập gia đình, ổn định. Khi con thông báo tôi cũng muốn vào nhưng vì điều kiện không cho phép nhưng được đồng nghiệp tổ chức cùng là vui rồi. Tôi mong các con luôn gặp may mắn, vợ chồng nhường nhịn, sống hòa thuận với nhau. Mong các con được như bố mẹ, 70 - 80 tuổi rồi, dù nghèo nhưng sống với nhau hạnh phúc”, bà Gấm xúc động.
Bình luận (0)