Tại cuộc họp giao ban hệ thống y tế dự phòng mới đây, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cảnh báo dịch sốt xuất huyết đang vào mùa. Ông chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố lên kế hoạch cập nhật, tập huấn điều trị cho bệnh viện các tuyến, trong đó phân biệt giữa triệu chứng sốt xuất huyết và Covid-19 để tránh nhầm lẫn, tránh bỏ sót ca bệnh.
Một bệnh nhi sốt xuất huyết nặng được Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cứu sống |
BVCC |
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận mỗi ngày 10-15 ca nội trú, trong đó có 1-2 ca nặng cần theo dõi sát.
Trong số này có vài ca khám sốt xuất huyết nhưng xét nghiệm phát hiện Covid-19, cũng có ca bệnh vừa hết Covid-19 thì nhiễm Covid-19 và ngược lại.
Theo bác sĩ Minh Tuấn, sốt xuất huyết và Covid-19 là 2 bệnh truyền nhiễm. Trong đó, Covid-19 lây qua đường giọt bắn do vi rút SARS-CoV-2 gây ra. Còn sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra qua đường trung gian là muỗi vằn.
Cả 2 bệnh đều có triệu chứng sốt, đau nhức cơ, đau đầu, đau vai, đau chân, đau khớp. Về cơ chế gây cơn bão cytokine của 2 bệnh đều liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể gây ra, ở sốt xuất huyết thì nhẹ hơn Covid-19. Nhưng cả 2 bệnh nếu vào cơn bão cytokine nặng thì có thể dẫn đến tử vong.
Tháng 9, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tiếp nhận bệnh nhi 22 tháng tuổi (ngụ Tây Ninh) bị sốt xuất huyết, tổn thương nặng và được cứu sống. TS.BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo, vào mùa mưa nên bệnh sốt xuất huyết đang “rình rập” tấn công trẻ. Nên cho con em ngủ mùng, phải diệt muỗi, lăng quăng, phát hoang xung quanh nhà, nhất là dọn dẹp các chai lọ, hộp, bịch, dụng cụ chứa nước…
Tuy nhiên, theo bác sĩ Minh Tuấn, triệu chứng của sốt xuất huyết chủ yếu là sốt, mệt mỏi, buồn nôn, da xung huyết. Có khuynh hướng xuất huyết da, chảy máu mũi, chảy chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường ở trẻ gái tuổi dậy thì, đặc biệt là vào giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 3 trở đi. Nếu nặng sẽ gây sốc, trụy tim mạch, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp kẹp hoặc xuất huyết nặng, xuất huyết nội tạng và suy các cơ quan.
Còn Covid-19, triệu chứng chủ yếu là đường hô hấp, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, mất khứu giác, mất vị giác và có thể kèm theo tiêu chảy. Nặng thì dẫn đến đau tức ngực, khó thở, suy hô hấp và suy các cơ quan.
Để chẩn đoán xác định chắc chắn 2 bệnh này, phải dựa trên xét nghiệm.
Nếu là sốt xuất huyết thì xét nghiệm máu, thấy bạch cầu – tiểu cầu giảm, xét nghiệm tìm kháng nguyên vi rút Dengue bằng xét nghiệm nhanh (NS1-Ag) dương tính.
Còn với vi rút Covid-19 thì xét nghiệm bằng cách lấy mẫu ở dịch mũi, hầu để tìm kháng nguyên nhanh hoặc RT-PCR.
Bác sĩ Minh Tuấn lưu ý, thời điểm này, người lớn và trẻ em không nên quá lo lắng triệu chứng Covid-19 mà bỏ qua triệu chứng sốt xuất huyết, khi đến bệnh viện thì bị sốt xuất huyết nặng không cứu chữa kịp thời.
Theo Bộ Y tế, tính đến 30.9, cả nước có hơn 49.000 ca mắc sốt xuất huyết 18 trường hợp tử vong. Số ca tử vong do sốt xuất huyết tập trung tại Bình Phước, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Thuận. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh vừa chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo khám chữa bệnh thông thường, đặc biệt là sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.
Bình luận (0)