TP.HCM: Cáo trạng không truy tố, nhưng tòa vẫn tuyên bị cáo phạm tội

Phan Thương
Phan Thương
26/10/2022 12:07 GMT+7

TAND cấp cao tại TP.HCM vừa hủy bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM xét xử, do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi cáo trạng không truy tố bị cáo nhưng HĐXX sơ thẩm vẫn tuyên phạm tội.

TAND cấp cao tại TP.HCM hủy bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi vượt quá giới hạn xét xử, đối với vụ án Trịnh Quốc Thịnh, Nguyễn Văn Trung và đồng phạm phạm một trong các tội “cướp tài sản”, “cướp giật tài sản”, “không tố giác tội phạm”.

Sau bản án sơ thẩm, chỉ có bị cáo Nguyễn Văn Trung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo; bản án sơ thẩm cũng không bị kháng nghị.

Khi vụ án được xét xử phúc thẩm, tại tòa, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nêu quan điểm, trong vụ án trên, dù bị cáo Bùi Ngọc Khánh Vy không kháng cáo, tuy nhiên theo hồ sơ vụ án, cáo trạng của Viện KSND TP.HCM không truy tố Bùi Ngọc Khánh Vy nhưng HĐXX sơ thẩm lại tuyên bị cáo Vy 4 năm 6 tháng tù về tội “cướp tài sản” là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên cần hủy bản án hình sự sơ thẩm về nội dung xử phạt bị cáo Vy, để cấp sơ thẩm truy tố theo đúng quy định.

Từ phân tích trên, HĐXX phúc thẩm nhận định, trong phần nhận định cáo trạng của Viện KSND TP.HCM, chỉ truy tố 6 bị can phạm tội cướp tài sản, trong đó không truy tố Bùi Ngọc Khánh Vy nhưng án sơ thẩm xử bị cáo Vy 4 năm 6 tháng tù về tội “cướp tài sản” là vi phạm nghiêm trọng phạm vi xét xử được quy định tại Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Do bản án sơ thẩm bị hủy, giao hồ sơ cho Viện KSND TP.HCM điều tra lại nên HĐXX phúc thẩm không xem xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo Trung.

Cáo trạng không truy tố

Bản án sơ thẩm nêu, bị cáo Trịnh Quốc Thịnh và đồng phạm đã thống nhất ý chí dùng vũ lực nhằm thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản của 2 người bị hại rồi chia nhau tiêu xài.

Cáo trạng phân tích, trên cơ sở điều tra, trong vụ thứ nhất, Vy có nhiệm vụ đứng ngoài che chắn, cảnh giới để đồng phạm dùng dao kè cổ nạn nhân, khống chế cướp xe.

Cáo trạng kết luận hành vi của các bị can liên quan đã phạm vào tội “cướp tài sản”, “cướp giật tài sản”, “không tố tố giác tội phạm”, nhưng không đề cập đến Bùi Ngọc Khánh Vy phạm tội gì.

Bên cạnh đó, ở phần quyết định của cáo trạng, với nội dung truy tố ra trước TAND TP.HCM để xét xử đối với các bị can, cáo trạng cũng không đề cập truy tố Bùi Ngọc Khánh Vy.

Luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, bản cáo trạng đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định hành vi phạm tội của các bị can, và Viện kiểm sát sẽ dựa vào cáo trạng để quyết định truy tố bị can ra trước tòa để xét xử. Đồng thời, Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, phần kết luận của bản cáo trạng phải ghi rõ tội danh, điều khoản của bộ luật hình sự áp dụng với người bị truy tố.

Vì vậy, nếu phần kết luận không ghi rõ tên bị can bị truy tố, điều khoản bị truy tố; phần quyết định truy tố bị can ra trước tòa án cũng không có tên bị can nhưng HĐXX vẫn đưa ra xét xử và tuyên án là cẩu thả, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.