TP.HCM: Đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế sau các vụ hành hung y, bác sĩ

Duy Tính
Duy Tính
10/08/2022 19:24 GMT+7

Chỉ trong 10 ngày, 2 bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM bị 2 thân nhân bệnh nhân hành hung. Cả 2 vụ việc đang được Công an Q.Bình Thạnh xử lý.

Chiều 10.8, Sở Y tế, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã làm việc với Bệnh viện Nhân dân Gia Định và một số bệnh viện trên địa bàn như Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng 1 nhằm trao đổi các giải pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tại khoa Cấp cứu của các bệnh viện.

Báo cáo tại cuộc làm việc, TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, bệnh viện đã xây dựng quy định về ưu tiên khám cấp cứu với 3 cấp độ: cấp độ 1 (màu đỏ) là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng cần được thăm khám và xử lý khẩn; cấp độ 2 (màu vàng) là tình trạng khẩn cấp nhưng có thể trì hoãn, cần thăm khám và xử lý trong vòng 30 phút; cấp độ 3 (màu xanh dương) là tình trạng có thể trì hoãn, thăm khám và xử trí trong vòng 60 phút hoặc khám tại phòng khám.

Cuộc làm việc của Sở Y tế, Công an Q.Bình Thạnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định

DUY TÍNH

Song song đó, bệnh viện duy trì hệ thống báo động khẩn cấp, tăng lực lượng bảo vệ tại khoa Cấp cứu. Điều quan trọng không kém là trang bị khả năng trấn an người bệnh, thân nhân của nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội và tăng khả năng tự phòng vệ để bảo vệ bản thân. Tăng cường trang bị an ninh và thêm các camera quan sát theo dõi. Đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng mong muốn cá nhân manh động, gây rối, tấn công nhân viên y tế cần có quy định chặt chẽ, chế tài mạnh hơn.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đặt câu hỏi vì sao tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định lại xảy ra nhiều vụ việc hành hung nhân viên y tế hơn các bệnh viện khác? Ông đề nghị bệnh viện củng cố lại quy trình sàng lọc, bệnh nhân nào phải vào cấp cứu thì vào cấp cứu, còn không thì vào các bộ phận khác, khoa khác. Tìm thêm giải pháp an toàn cho nhân viên y tế nhưng không được tạo khoảng cách với người bệnh mà tạo sự gần gũi. Tăng cường giám sát và điều phối để nhân viên cấp cứu không quá tải. Tuân thủ quy tắc không để bệnh nhân cấp cứu nằm lâu, chỉ từ 4 - 6 giờ. Phân quyền khoa Cấp cứu được toàn quyền chuyển bệnh bất cứ khoa nào.

“Bảo vệ cắm chốt tại khoa Cấp cứu, tuân thủ 1 bệnh nhân cấp cứu 1 thân nhân, không cho mang túi xách vào khoa. Khi có vấn đề xảy ra thì báo ngay cho công an phường”, PGS-TS Tăng Chí Thượng đề nghị và khẳng định: "Cả ngành tiếp tục lên án thân nhân bệnh nhân vào bệnh viện gây rối và mong các cơ quan chức năng xử lý nghiêm".

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định chiều 10.8

DUY TÍNH

Chỉ đạo xử lý nghiêm

Như Thanh Niên đã thông tin, đêm 27.7, ông Đ.Q.B (41 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đã tấn công bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định vì không đáp ứng yêu cầu “làm ngay” cho con ông nghi ngờ mắc xương cá. Về vụ việc này, tại cuộc làm việc chiều 10.8, đại diện Công an Q.Bình Thạnh cũng cho biết lãnh đạo Công an TP chỉ đạo xử lý nghiêm và quận nghiên cứu xử lý theo hướng chống người thi hành công vụ.

Đối với V.H.H (29 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) dùng đồ giũa, lấy khóe móng tay có hành vi tấn công bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào sáng ngày 6.8 khi đưa mẹ đi cấp cứu, Công an Q.Bình Thạnh cũng cho biết ban đầu sẽ xử lý theo hướng gây rối trật tự công cộng.

Qua 2 vụ việc trên, Công an Q.Bình Thạnh đề nghị Bệnh viện Nhân dân Gia Định khi có sự cố thì báo ngay cho công an phường để phối hợp, nếu phường thấy phức tạp thì phường báo cho quận để điều động thêm lực lượng. Tuy nhiên, công an Q.Bình Thạnh cũng đề nghị phía bệnh viện đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.