Ngày 27.5, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét kiến nghị của nhà đầu tư về việc không nâng cấp hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) đối với trạm thu phí cầu Phú Mỹ và trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh vì gần hết thời gian khai thác.
Trạm thu phí cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (TP.Thủ Đức) có quy mô 18 làn thu phí, đang khai thác 14 làn, trong đó có 8 làn thu phí ETC, số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC tỷ lệ trung bình 35%.
Hồi tháng 2.2022, nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng Phú Mỹ đề xuất không nâng cấp các làn thu phí còn lại sang hình thức thu phí ETC. Lý do, hiện 8 làn thu phí ETC đã đáp ứng năng lực thông hành, cụ thể 8 làn đáp ứng được hơn 360.000 lượt xe/ngày trong khi lưu lượng hiện chỉ 24.000 lượt xe/ngày.
Trạm thu phí cầu Phú Mỹ được đề xuất không nâng cấp thêm làn thu phí ETC |
TNO |
Ngoài ra, thời gian thu phí dự kiến chỉ còn khoảng 4 năm (đến tháng 4.2026), việc thu xếp nguồn vốn đầu tư khó khăn do nguồn hiện nay dành cho trả nợ vay ngân hàng và dự án đã quyết toán.
Trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng xây dựng có quy mô 20 làn (2 trạm). Đây là trạm thu phí có tính đặc thù do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ tổ chức thu phí trong 30 năm, kể từ năm 1998 đến tháng 4.2028.
UBND TP.HCM cho biết mức giá thu phí của trạm này thấp nhất cả nước và không thu phí xe ô tô dưới 9 chỗ, mục đích thu phí để duy tu, bảo trì tuyến đường. Nếu sử dụng không hết doanh thu, phần chênh lệch doanh nghiệp hưởng 30%, TP.HCM hưởng 70%.
Hồi đầu tháng 4.2022, nhà đầu tư cũng có văn bản đề nghị không triển khai, nâng cấp hệ thống thu phí ETC. Lý do, chi phí đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí ETC dự toán khoảng 90 tỉ đồng, trong khi thời gian thu phí còn lại chỉ 5 năm, giá thu phí rất thấp.
Nếu được Thủ tướng chấp thuận, nhà đầu tư trạm thu phí cầu Phú Mỹ phải đóng 8 làn thu phí một dừng, chỉ khai thác 8 làn thu phí ETC (100% thu phí ETC); đồng thời đảm bảo năng lực thông hành, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại trạm.
Trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh tiếp tục khai thác theo hiện trạng đến khi kết thúc thời gian thu phí. Nhà đầu tư rà soát kiện toàn bộ máy thu phí, tự giám sát chặt chẽ công tác thu phí, không để xảy ra tiêu cực, gây thất thoát nguồn thu phí.
2 trạm thu phí nâng cấp trong tháng 7.2022
Đối với 3 trạm thu phí còn lại, trạm thu phí An Sương - An Lạc trên tuyến QL1 (Q.Bình Tân) có quy mô 25 làn thu phí, đã nâng cấp 21 làn thu phí ETC, lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC đạt 16%. TP.HCM đang phối hợp nhà đầu tư triển khai các thủ tục để nâng cấp hệ thống thu phí ETC 4 làn còn lại, hoàn thành trong tháng 7.2022.
Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội sẽ nâng cấp các làn còn lại theo hình thức ETC trong tháng 7.2022 |
độc lập |
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức) hiện có 16 làn thu phí, trong đó có 8 làn đã nâng cấp thu phí ETC, số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC đạt 34%; 8 làn còn lại sẽ được nâng cấp trong tháng 7.2022.
Riêng với trạm thu phí thuộc dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (TP.Thủ Đức) có 6 làn nhưng chưa thu phí. Nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục đầu tư hệ thống thu phí ETC để đưa vào khai thác trước khi bắt đầu thu phí.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp mới đây, đúng ngày 30.6.2022, toàn bộ trạm thu phí trên cả nước phải hoàn thành hệ thống thu phí ETC. Đến ngày 31.7.2022, trạm nào chưa hoàn thành lắp đặt ETC ở tất cả các làn phải xả trạm, khi nào lắp đặt xong mới cho thu phí trở lại.
Bình luận (0)