Liên tục cầu cứu T.Ư
Theo đó, trong công văn đăng ký nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách T.Ư với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, TP.HCM đăng ký nhu cầu vốn nguồn vốn ngân sách T.Ư trong nước là hơn 1.948 tỉ đồng và nhu cầu vốn nguồn vốn ngân sách T.Ư nước ngoài là hơn 3.200 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo dự kiến phân bổ được Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông báo tại Công văn 6926 ngày 11.10, nguồn vốn ngân sách T.Ư trong nước phân bổ cho TP.HCM là hơn 1.768 tỉ đồng, thấp hơn 180 tỉ đồng so với nhu cầu vốn TP đã đăng ký. Nguồn vốn ngân sách T.Ư nước ngoài cũng dự kiến chỉ 711 tỉ đồng, thấp hơn 2.489 tỉ đồng. UBND TP.HCM đánh giá nguồn vốn ngân sách T.Ư năm 2022 được Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự kiến phân bổ chưa đáp ứng được nhu cầu của TP trong năm 2022.
Nhiều dự án trọng điểm của TP.HCM lo hụt vốn |
Độc Lập |
Mặt khác, đầu tư công là động lực rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế TP sau dịch Covid-19, nên UBND TP kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, báo cáo, đề xuất Thủ tướng chấp thuận phân bố đủ số vốn ngân sách T.Ư trong nước theo nhu cầu vốn TP đã báo cáo. Cụ thể, bổ sung 190 tỉ đồng đối với dự án Xây dựng, mở rộng QL50 (H.Bình Chánh) theo nhu cầu vốn năm 2022 của dự án (300 tỉ đồng); Bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 nguồn vốn ngân sách T.Ư nước ngoài theo nhu cầu của TP là 1.870,100 tỉ đồng.
Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất bố trí vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM cũng đề nghị T.Ư hỗ trợ TP 17.234 tỉ đồng để thực hiện 3 dự án trọng điểm cấp bách gồm: Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; Dự án cải tạo kênh Hy Vọng và Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).
Mới đây nhất, báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu và phương án đầu tư đường vành đai 3, UBND TP.HCM cũng đã tổng hợp ý kiến của UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, kiến nghị T.Ư hỗ trợ ngân sách từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư dự án khoảng 83.290 tỉ đồng. Trường hợp vốn ngân sách T.Ư không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, đề xuất hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 46.971 tỉ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Vốn mồi kích thích phục hồi kinh tế
Thực tế, các dự án mà TP.HCM “cầu cứu” vốn ngân sách T.Ư đều là những dự án đã nằm trong danh sách trọng điểm suốt nhiều năm qua của TP. Vướng giải phóng mặt bằng, vốn tăng gấp vài chục lần, các chủ đầu tư lần lượt “bỏ chạy” khiến dự án cứ ì ạch hàng thập kỷ vẫn chưa thể triển khai.
Tập trung thúc đẩy hạ tầng, TP.HCM đã chủ trương dùng ngân sách TP hỗ trợ phần khó nhằn nhất là giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát nghiêm trọng, ngân sách đổ vào loạt công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội khiến túi tiền của TP.HCM đã cạn kiệt, không còn đủ nguồn lực để cân đối vốn cho các dự án này theo đúng kế hoạch.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đánh giá TP.HCM đang rất muốn tập trung vào đầu tư công, như nguồn vốn mồi để kích thích sự tăng trưởng, nhanh chóng phục hồi kinh tế. Ông Lịch nhận định đầu tư công là công cụ rất hiệu quả hỗ trợ sự phục hồi. Một đồng vốn đầu tư công của TP.HCM sẽ thu hút tới 8 - 10 đồng vốn đầu tư tư nhân. Mặt khác, sự phục hồi kinh tế của TP.HCM không chỉ cho TP, không là chuyện riêng của TP mà có tầm quan trọng đối với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Do đó, cần có những chính sách, giải pháp mang tính đặc biệt hơn để hỗ trợ phục hồi cho TP. Đây là vấn đề cần nhìn nhận trên phương diện lợi ích quốc gia.
Nhiều dự án trọng điểm của TP.HCM lo hụt vốn |
Độc Lập |
Đồng quan điểm, TS Dương Như Hùng (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) phân tích từ trước tới nay, về phía Chính phủ chưa có sự đánh giá đúng mức về đóng góp kinh tế để tính toán mức độ ưu tiên đúng tầm cho TP.HCM. Nguồn vốn cho giao thông của TP quá eo hẹp và phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách của T.Ư. Theo số liệu từ Bộ GTVT, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông VN giai đoạn 2016 - 2020 gần 1 triệu tỉ đồng, nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỉ đồng. Riêng khu vực TP.HCM - địa phương được coi là trung tâm kết nối, trung tâm kinh tế của toàn vùng - nhu cầu vốn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông giai đoạn này là khoảng 500.000 tỉ đồng, nhưng chỉ cân đối được hơn 1/5, tức 122.000 tỉ đồng. Thiếu tiền, giao thông TP.HCM cứ mãi loay hoay trong khi xét về hệ suất sinh lời trên GDP, đầu tư vào hạ tầng của TP.HCM tạo ra rất nhiều hiệu quả cho đất nước.
Theo ông Hùng, trong đại dịch, những yếu kém về hạ tầng càng bộc lộ rõ. Đứt gãy chủ yếu của kinh tế là hệ thống logistics. Trong thời gian tới, nếu TP.HCM muốn phục hồi nhanh, muốn cạnh tranh thì phải nắm bắt cơ hội chuyển đổi số, phải cắt giảm chi phí phân phối, đón cơ hội chuyển sang nền kinh doanh thương mại trực tuyến. Muốn làm được điều này, không có cách nào khác là đẩy đầu tư hạ tầng lên.
Không chỉ là vài nghìn tỉ ngân sách
Theo ông Trần Du Lịch, ngoài đầu tư công, TP.HCM cũng đang chờ đợi chương trình hỗ trợ quốc gia, trong đó có vấn đề hỗ trợ lãi suất tín dụng. Thời gian qua, TP.HCM đã quá sức về trợ cấp an sinh xã hội nên rất khó thu vén các vấn đề liên quan khoản chi thường xuyên cho an sinh xã hội. Trong khi đó, ngân sách T.Ư cũng không còn nhiều, lại phải cân đối rất nhiều khoản chi cho nhiều địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
“Do đó, vấn đề của TP.HCM không chỉ là xin 1.000 - 2.000 tỉ cho vài dự án mà cần có chủ trương chung để tính toán tổng thể. TP.HCM cần cơ chế để tháo gỡ 2 vấn đề: Thứ nhất là cho phép tăng bội chi hoặc chủ động phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án đầu tư công; Thứ hai là tạo cơ chế thuận lợi nhất để có thể đấu giá các quỹ đất công, các cơ sở của nhà nước chưa sử dụng hiệu quả. Tóm lại là có cơ chế đặc biệt tạo nguồn thu cho TP, không cần phải chia ngân sách T.Ư với địa phương nào”, ông Lịch đề xuất.
Trong khi đó, TS Dương Như Hùng lưu ý TP.HCM cũng cần xem lại năng lực quản lý các dự án. Những dự án trọng điểm đang cầu cứu vốn ngân sách T.Ư hầu hết đều vướng giải phóng mặt bằng. Đồng ý rằng T.Ư cần hỗ trợ bố trí vốn đủ, kịp thời cho TP bật dậy, nhưng nếu TP quản lý không tốt, ngân sách giao về tiếp tục không giải ngân được thì sẽ dẫn đến hệ quả ngược, gây lạm phát. Vì thế, TP.HCM “xin” vốn cho dự án nào thì phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, phân tích, đánh giá hết các vướng mắc liên quan, đảm bảo dự án sau khi được phân bổ vốn sẽ có thể triển khai ngay, đạt hiệu quả lan tỏa tối đa tới nền kinh tế.
Bình luận (0)