TP.HCM: Kích hoạt 40 trạm y tế lưu động khi F0 cách ly tại nhà gia tăng

Duy Tính
Duy Tính
05/11/2021 19:52 GMT+7

F0 cách ly tại nhà gia tăng và F0 nhập viện tại TP.HCM gia tăng. Một mặt tăng cường trạm y tế lưu động, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo nhân viên y tế sẵn sàng lên đường, bệnh viện sẵn sàng phương án tiếp nhận, chi viện...

Chiều 5.11, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết ngành y tế kích hoạt 40 trạm y tế lưu động để chăm sóc F0 cách ly tại nhà đang gia tăng nhẹ, kể cả F0 nhập viện.

F0 tại TP.HCM đang gia tăng

DUY TÍNH

F0 gia tăng ở Hóc Môn

Trong ngày, đội phản ứng nhanh của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã có mặt tại xã Tân Thới Thượng và xã Bà Điểm của H.Hóc Môn để tìm nguyên nhân vì sao số ca F0 mới tăng cao tại khu vực này. HCDC yêu cầu Trung tâm y tế H.Hóc Môn tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Hóc Môn khẩn trương xử lý ổ dịch cộng đồng theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế.

Trước đó, Sở Y tế phối hợp Cục Quân y đã điều động 15 trạm y tế lưu động từ Q.Bình Tân đến tăng cường cho H.Hóc Môn. Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm hồi sức - Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện dã chiến số 14 tăng cường hội chẩn và hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 nặng cho Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn.

Theo Sở Y tế TP.HCM, sau hơn 1 tháng thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, tình hình dịch bệnh tạm ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Giám sát diễn biến dịch bệnh mỗi ngày cho thấy số ca mắc mới – F0 đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong thời gian gần đây.

TP.HCM đã hỗ trợ hơn 11.536 tỉ đồng cho hơn 8,3 triệu người

Hình thành các đội phản ứng nhanh cấp thành phố

TP.HCM đã hình thành các đội phản ứng nhanh cho hoạt động điều tra và kiểm soát dịch do HCDC đảm trách và kích hoạt các trạm y tế lưu động với lực lượng các y bác sĩ dự bị do các trung tâm y tế và các bệnh viện đảm trách là những hoạt động mới được triển khai của ngành y tế Thành phố đối với các địa bàn quận, huyện có số ca mắc mới tăng cao để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các cơ sở y tế kiên trì các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, cụ thể khẩn trương triển khai các hoạt động sau:

Các bệnh viện phải sẵn sàng "ra trận"

Sở Y tế đã chỉ đạo đối với các bệnh viện thành phố, bệnh viện quận huyện và bệnh viện tư nhân sẵn sàng các phương án phòng chống dịch.

Theo đó, lập danh sách nhân sự dự bị (bác sĩ, điều dưỡng) tham gia trạm y tế lưu động theo chỉ đạo của Sở Y tế; chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ các quận, huyện kịp thời chăm sóc và quản lý F0 cách ly tại nhà khi được Sở Y tế điều động.

Luân phiên bác sĩ, điều dưỡng đến công tác tại các bệnh viện dã chiến thành phố, đặc biệt các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 3 tầng. Củng cố và duy trì khu cách ly điều trị Covid-19 tại mỗi bệnh viện theo mô hình đơn vị hoặc khoa Covid-19 để sẵn sàng tiếp nhận người nghi nhiễm Covid-19 khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện; các bệnh viện tầng 3 sẵn sàng tiếp nhận các người bệnh do tuyến dưới chuyển đến.

Tất cả bệnh viện (tầng 2 và tầng 3) rà soát, bổ sung thuốc điều trị, dụng cụ, trang thiết bị y tế… sẵn sàng cho công tác thu dung điều trị.

Chuẩn bị nhân sự sẵn sàng chi viện cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh khi có sự điều động của Sở Y tế.

Trên 86,4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm

Đối với các trung tâm y tế và trạm y tế

Sở Y tế yêu cầu quản lý cập nhật danh sách F0 trên địa bàn, báo cáo kịp thời số ca mắc về HCDC và Sở Y tế theo đúng quy định. Triển khai và tuân thủ nghiêm các quy trình xử lý F0 tại cộng đồng, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Sở Y tế.

Triển khai và giám sát sự tuân thủ hướng dẫn phác đồ điều trị của nhân viên y tế tham gia chăm sóc F0 cách ly tại nhà.

Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và hành động của mỗi người dân cùng chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiệm vụ mỗi nhân viên y tế

Sở Y tế yêu cầu mỗi nhân viên y tế phải đóng vai trò tuyên truyền viên về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, tại khu dân cư sinh sống bằng nhiều biện pháp khác nhau để mọi người dân ý thức và tuân thủ 5K để hạn chế lây lan dịch bệnh, phát hiện sớm khi có triệu chứng để điều trị kịp thời.

Tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tăng cường tầm soát người đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện, khi phát hiện chùm ca bệnh thì phải báo cáo nhanh cho HCDC kịp thời điều tra dịch tễ, phát hiện ổ dịch mới để xử lý kịp thời.

Khi phát hiện người mắc Covid-19 có dấu hiệu chuyển nặng (cần thở ô xy hoặc hỗ trợ hô hấp) cần xem xét việc chuyển người bệnh đến các bệnh viện hồi sức Covid-19 để được điều trị kịp thời.

Khi tiếp nhận người mắc Covid-19, nếu phát hiện tuyến trước không xử lý đúng theo hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị Covid-19 cần báo cáo ngay cho lãnh đạo bệnh viện để báo cáo về Sở Y tế biết để có hướng xử lý.

Khi tiếp nhận người mắc Covid-19, nếu phát hiện có chùm ca bệnh cần báo cáo ngay cho lãnh đạo bệnh viện để báo cáo về HCDC và Sở Y tế biết để có hướng xử lý.

Ngày 1.10, ngày đầu thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, TP.HCM có 29.000 ca F0 cách ly tại nhà. Sau đó giảm dần xuống còn 11.000 ca vào ngày 19.10. Từ 20.10 số ca F0 cách ly tại nhà đang gia tăng trở lại. và bằng con số hồi đầu tháng 10. Trong khi đó, số nhập viện cũng đang gia tăng, hiện có khoảng 11.500 ca nhập viện điều trị ở tầng 2, 3. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, khi F0 gia tăng thì chắc chắn số ca nặng sẽ tăng theo. Số ca tử vong dao động từ 20 - 40 ca/ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.