Sáng 13.1, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã kiểm tra, làm việc về an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân 2022 tại TP.HCM.
Chợ đầu mối Bình Điền đêm 12.1 |
KHÁNH TRẦN |
Tại buổi làm việc, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM cho biết, năm 2021, Ban Quản lý ATTP và các sở ngành, quận huyện đã kiểm tra 2.466 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó phát hiện 86 cơ sở vi phạm và có 85 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Hơn 7,5 tấn sản phẩm thực phẩm vi phạm ATTP bị tịch thu để thay đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy.
Bên cạnh đó, năm 2021, TP.HCM đã lấy mẫu kiểm tra, giám sát ATTP về chỉ tiêu hàn the, formol, phẩm màu đối với thực phẩm. Kết quả có 175/6.675 mẫu không đạt, đa số là sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.
Những ngày qua, Ban Quản lý ATTP TP.HCM tăng cường kiểm tra, bảo đảm không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong dịp tết, đặc biệt là ngộ độc bia rượu.
Cũng theo PGS.TS Phong Lan, tuy tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đã có bước cải thiện, nhưng vẫn còn một số cơ sở chưa đáp ứng về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vi phạm điều kiện đảm bảo ATTP. Hệ thống các văn bản pháp luật về ATTP cả hành chính và hình sự đã có nhiều thay đổi và cập nhật, bổ sung góp phần răn đe, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong công tác.
Cụ thể, đối với hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm” đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự 2015, nhưng khi xét đến yếu tố cấu thành tội phạm thì gặp nhiều khó khăn trong việc xác định lỗi. Các bộ chưa ban hành danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm như trong Bộ luật Hình sự; năng lực phân tích các hóa chất, thành phần trong thực phẩm của các đơn vị phân tích còn hạn chế các đơn vị này chỉ phân tích các chất (thành phần) theo chỉ định, nhưng trong thực tế các cơ sở sử dụng các hoạt chất khác thì không có cơ sở pháp lý (phiếu phân tích) để xử lý. Hiện tại còn thiếu các quy chuẩn quốc gia về các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng chế biến từ nông sản nên thiếu cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp sản xuất thực phẩm giả về chất lượng.
Ngoài ra, công tác tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không có kho, bãi (kho lạnh để bảo quản nên khó khăn trong việc bảo quản, xử lý tang vật vi phạm, nhất là tạm giữ tang vật là hàng thực phẩm đông lạnh, sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy, hải sản, thực phẩm tươi sống...
TP.HCM lo ngại với sản phẩm tự công bố lên đến con số 200.000, nhưng theo quy định thì cơ quan nhà nước phải hậu kiểm, nên khối lượng công việc là rất lớn.
PGS.TS Phong Lan phát biểu thêm: Ban Quản lý ATTP chính thức đề nghị chuyển đổi mô hình hoạt động của Ban Quản lý ATTP từ thí điểm thành chính thức hoặc thành lập Sở ATTP để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý ATTP trên địa bàn thành phố; phù hợp với quy định hiện hành.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng ATTP năm nay gắn với 5K phòng chống Covid-19. Liên quan đến xây dựng chuỗi ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ được đặc biệt quan tâm, ông Nam đề nghị phải làm sao kiểm soát được từ gốc, tốt nhất là làm sao để không bị xử phạt. Mặt khác là có sự khuyến khích, tôn vinh những chuỗi ATTP tốt.
Trước đó, tối 12.1 đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và Ban Quản lý ATTP đã đi kiểm tra ATTP tại Chợ đầu mối Bình Điền và sáng 13.1 đi kiểm tra tại một cơ sở sản xuất thực phẩm.
Bình luận (0)