TP.HCM nằm trong số các đô thị sụt lún nhanh nhất trên toàn cầu

21/09/2022 19:30 GMT+7

The Strait Times ngày 20.9 dẫn lại một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Sustainability gần đây cho biết các thành phố ven biển Đông Nam Á đang sụt lún nhanh nhất trên toàn cầu, trong đó TP.HCM đang lún xuống đến 16,2 mm/năm.

Tác giả chính của nghiên cứu, bà Cheryl Tay, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Môi trường Châu Á của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore, lưu ý rằng nhiều thành phố ven biển châu Á đang phát triển và đô thị hóa nhanh chóng. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu khai thác nước ngầm và khiến đất sụt lún nhanh chóng.

Nghiên cứu được bà Tay thực hiện với sự hợp tác của Đại học New Mexico (Mỹ), Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ và Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA do Viện Công nghệ California ở Mỹ quản lý.

TP.HCM nằm trong số các thành phố có tốc độ sụt lún nhanh nhất thế giới

Các tảng băng trên trái đất đang tan chảy, khiến mực nước biển dâng lên trên toàn cầu. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng việc đất bị sụt lún có thể làm trầm trọng thêm vấn đề trên. Hiện mực nước biển trên toàn cầu đang dâng lên trung bình 3,7mm/năm.

Qua việc phân tích ảnh vệ tinh của 48 thành phố ven biển trên toàn cầu từ năm 2014 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu kết luận tốc độ sụt lún trung bình của các thành phố là 16,2 mm/năm. Bà Tay cũng cho biết một số thành phố sụt lún đến 43 mm/năm, và sự điều này có thể thay đổi ở cấp độ khu vực. Tốc độ sụt lún cục bộ nhanh nhất tập trung ở châu Á, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á.

Dữ liệu của nhóm nghiên cứu cho thấy thành phố Jakarta, Indonesia đang lún xuống 4,4 mm/năm và con số này của TP.HCM là 16,2 mm/năm.

Việc khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sụt lún ở cả hai thành phố này.

Tại TP.HCM, việc xây dựng dày đặc các công trình cao tầng ở những khu vực có nền đất yếu cũng góp phần làm sụt lún đất, theo nghiên cứu.

Bà Tay cho biết sụt lún, cùng với lượng mưa cực lớn và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, có thể dẫn đến lũ lụt thường xuyên, dữ dội và kéo dài hơn ở những nơi dễ bị tổn thương trong vài năm tới.

Tác giả này cũng nói để giải quyết những vấn đề trên, các chính phủ có thể xây dựng hệ thống bảo vệ ven biển như tường chắn nước biển hoặc sử dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên như rừng ngập mặn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.