TP.HCM: Sắp xét xử vụ sai phạm gây thất thoát 17,7 tỉ đồng tại 7 trường học H.Củ Chi

10/01/2022 11:19 GMT+7

Từ ngày mai (11.1), TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án liên quan sai phạm xảy ra tại 7 trường học ở H.Củ Chi, TP.HCM, gây thất thoát ngân sách nhà nước 17,7 tỉ đồng.

Theo lịch xét xử, từ ngày mai (11.1), TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến sai phạm xảy ra tại 7 trường học ở H.Củ Chi, TP.HCM.

Vụ án có 5 bị cáo gồm: Lê Thị Thanh Tuyền (nguyên Chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND H.Củ Chi), Phan Văn Duyệt (Phó giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng thương mại xuất nhập khẩu Đông Phương - viết tắt là Công ty Đông Phương), Phan Văn Bình Tâm (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Tâm Phú Tài - Công ty Tâm Phú Tài, em trai của Duyệt), Nguyễn Thị Loan (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT H.Củ Chi) và Lê Vũ Hồng Hạnh (người đại diện theo pháp luật, Giám đốc Công ty Đông Phương).

Gây thất thoát ngân sách nhà nước 17,7 tỉ đồng

Theo cáo trạng, các bị cáo đã lợi dụng việc được giao, quản lý, sử dụng ngân sách để giao việc đầu tư, sửa chữa 7 trường học trên địa bàn H.Củ Chi không đúng quy định pháp luật, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 17,7 tỉ đồng.

Trường mầm non Tân Phú Trung 2

KHẢ HÒA

Cụ thể, cáo trạng thể hiện, ngày 14.11.2016, Chủ tịch UBND H.Củ Chi ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên tài sản cố định năm 2016 của 7 trường học trên địa bàn H.Củ Chi, TP.HCM gồm: Trường mầm non TT.Củ Chi 2, Trường mầm non Thái Mỹ, Trường mầm non Tân Thông Hội 2, Trường mầm non Tân Phú Trung 2, Trường tiểu học Tân Phú Trung, Trường tiểu học Tân Phú và Trường tiểu học Lê Thị Pha. Hiệu trưởng 7 trường đã ký thủ tục giao cho Công ty Tâm Phú Tài thực hiện hợp đồng tư vấn, thiết kế; Công ty Đông Phương thực hiện hợp đồng thi công, sửa chữa.

Đến ngày 30.6.2016, toàn bộ 64 gói thầu của 7 trường học đều đã nghiệm thu, quyết toán. Trong đó, các hợp đồng tư vấn, thiết kế và hợp đồng thi công đều có nghiệm thu, thanh quyết toán cao hơn so với định mức được Bộ xây dựng quy định. Các hiệu trưởng đã không lập dự toán, xác định tổng mức đầu tư của từng gói thầu và Phòng GD-ĐT, Phòng Tài chính huyện Củ Chi không yêu cầu lập. Phòng GD-ĐT chỉ dựa trên các khái toán do Phan Văn Duyệt (Phó giám đốc Công ty Đông Phương) lập sai quy định, đơn giá đưa ra cao hơn nhiều so với định mức, để lập danh mục, kế hoạch sửa chữa.

Sau khi Phòng GD-ĐT lập danh mục, kế hoạch sửa chữa, gửi Phòng Tài chính thẩm định và trình Thường trực UBND huyện phê duyệt, trong đó chia dự án thành 64 gói thầu (mỗi gói thầu dưới 500 triệu đồng) để chỉ định thầu, vi phạm các quy định cấm về kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Không nghiệm thu vẫn quyết toán

Cáo trạng xác định, bị cáo Lê Thị Thanh Tuyền, thời điểm 2016 với vai trò là Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch H.Củ Chi đã trực tiếp đi khảo sát các trường học cùng Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng GD-ĐT H.Củ Chi để duyệt các hạng mục cần sửa chữa. Tuyền và Loan đã thẩm định, trình duyệt tổng mức đầu tư, dự toán sửa chữa các hạng mục của 7 trường học mà không yêu cầu các trường thực hiện các thủ tục đúng quy định về đầu tư xây dựng. Trong đó hầu hết hạng mục được duyệt đều chia nhỏ để có dự toán giá trị dưới 500 triệu đồng sai quy định.

Trường mầm non Tân Thông Hội 2

KHẢ HÒA

Đối với Phan Văn Duyệt trực tiếp điều hành hoạt động Công ty Đông Phương đã liên hệ với Nguyễn Thị Loan để trình phê duyệt dự toán. Sau đó, Duyệt trực tiếp đến gặp các hiệu trưởng và nói Phòng GD-ĐT giao cho Công ty Đông Phương thi công nên các hiệu trưởng tin tưởng và đồng ý ký hồ sơ, không tiến hành nghiệm thu trên thực tế mà lấy số liệu dự toán để ký nghiệm thu và thanh quyết toán.

Khi lập dự toán, thiết kế, Duyệt không tiến hành khảo sát trên thực tế để kho bạc duyệt chi mà nhờ em trai là Phan Văn Bình Tâm lấy pháp nhân Công ty Tâm Phú Tài ký tên, hợp thức hóa hồ sơ.

Đối với Lê Vũ Hồng Hạnh là người được Duyệt nhờ đứng tên làm người đại diện pháp luật và Giám đốc Công ty Đông Phương để ký kết, thực hiện các hợp đồng sửa chữa tại 7 trường học trên với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Với vai trò trên, Hạnh phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Công ty Đông Phương.

Đối với Phan Văn Bình Tâm đã giúp sức tích cực cho Duyệt. Tâm đã dùng pháp nhân của Công ty Tâm Phú Tài ký hợp thức hóa hồ sơ, thiết kế dự toán sửa chữa các trường học trên địa bàn H.Củ Chi do Công ty Đông Phương lập mà không tiến hành khảo sát thực tế để rút dự toán ngân sách nhà nước.

Liên quan vụ án, đối với 6 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng của 7 trường học ở H.Củ Chi, cáo trạng xác định, với vai trò là chủ đầu tư, đã có thiếu sót, sai phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, rút dự toán ngân sách nhà nước và có dấu hiệu phạm vào tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tuy nhiên, 7 cá nhân này không có trình độ chuyên môn về đầu tư xây dựng, không được cập nhật các quy định pháp luật về xây dựng, đấu thầu. Mục đích ký các hồ sơ sửa chữa, quyết toán là để phục vụ lợi ích chung cho các em học sinh, không hưởng lợi cá nhân. Quá trình điều tra, phần lớn hậu quả thất thoát đã được khắc phục, thu hồi trước khi khởi tố vụ án. Vì vậy, CQĐT không đề nghị xử lý hình sự mà đề nghị xử lý nghiêm về mặt hành chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.