TP.HCM sau ngày 25.10: 'Tôi muốn ngồi nhâm nhi ly cà phê tại quán'

Tấn Đạt
Tấn Đạt
23/10/2021 14:00 GMT+7

TP.HCM sau ngày 25.10, nhiều người trẻ hy vọng được ngồi nhâm nhi ly cà phê, đến thưởng thức món ăn nóng hổi tại quán mà không cần mang về.

Quán xá ở TP.HCM chưa được phép cho khách ngồi lại

tấn đạt

Giải tỏa căng thẳng

Đã hơn 4 tháng trôi qua, anh Lê Nguyễn Chí Trung, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh Tế, TP.HCM, vẫn chưa được cảm giác cuối tuần vào buổi sáng nhâm ly cà phê tại quán xá hay cùng với những người bạn của mình lân la ở hàng quán nào đó vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Tôi rất mong thành phố cho phép khách được ngồi tại chỗ, để được nhâm nhi ly cà phê tại quán hay cùng những người bạn của tôi tán gẫu đôi chút để giải tỏa căng thẳng. Vì từ khi TP.HCM nới lỏng giãn cách đầu tháng 10 tôi cũng không đi đâu được. Mỗi ngày chỉ quanh quẩn bên chiếc laptop để học “online” nhiều lúc căng thẳng lắm”.

Anh Trung thừa nhận: “Đôi lúc tôi làm việc ở nhà do nhiều yếu tố do khách quan mà không tập trung được thì tôi thường chọn ra quán ngồi. Tại một góc yên tĩnh của quán, thưởng thức ly cà phê và làm việc thì tiến độ hoàn thành thấy nhanh, hiệu quả hơn rất nhiều”.

Nhiều người trẻ hy vọng Thành phố cho ngồi lại tại quán sau ngày 25.10

anh tuấn cung cấp (hình chụp trước khi có dịch)

Giống như Trung, anh chàng Nguyễn Lê Tiến, sinh viên Trường ĐH Luật, TP.HCM, vẫn đang từng ngày chờ đợi được ngồi lại hàng quán vì mấy tháng nay Tiến không được thưởng thức cái cảm giác ngồi uống cà phê đến thưởng thức một tô cháo lòng buổi sáng ở một quán cóc vỉa hè nào đó.

Tiến thích cảm giác lân la ở những quán cóc tại Sài Gòn

Lê Tiến (hình chụp lúc chưa có dịch)

“Nếu thành phố cho thực khách ngồi lại, tôi sẽ thưởng thức các món ngon trên đường Đoàn Văn Bơ, Q.4. Hẹn những người bạn thân thương dậy sớm để tận hưởng cảm giác se lạnh buổi sáng sớm vào những tháng cuối năm bên ly cà phê ngon tuyệt. Đến nhâm nhi ly nước mát, ăn bịt bánh tráng, ngồi ngắm sông Sài Gòn hoàng hôn cho đến đêm. Và tôi sẽ dành thời gian để làm video, chụp ảnh về Sài Gòn ở những quán cà phê hè phố”, Tiến nói.

Nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM hoạt động trở lại cần thực hiện những gì?

Trong khi đó, gần 1 tháng qua, chị Lê Thị Thùy Trang, 26 tuổi, làm truyền thông tại số 123 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM đã chán ngấy cảm giác “mua mang về” vì phải hâm đi hâm lại đồ ăn khiến chúng mất ngon.

“Có những ngày sau khi giải quyết công việc xong thì trời đã tối. Ghé quán mua đỡ bịch phở mà ăn, mang về tới nhà thì đã nguội ngắt. Thật sự các món ăn thức uống được ăn tại chỗ mới đảm ngon, mới tận hưởng hết các hương vị của nó, cực chẳng đã vì dịch bệnh nên mới mua mang về”, chị nói.

Nhiều người trẻ phải chọn nơi công cộng để nghỉ chân

tấn đạt

Rồi chị Trang chia sẻ: “Không nơi nào có thể tụ tập bạn bè đi chơi thoải mái như các hàng quán bên ngoài. Gặp lại nhau sau thời gian dài dịch bệnh, chắc chắn mọi người sẽ có rất nhiều điều muốn nói. Với tôi, ngồi ăn, uống tại chỗ ở hàng quán sẽ có cảm giác thoải mái, tiện lợi hơn. Và đồ ăn cũng sẽ còn nóng, ăn ngon hơn".

Như Báo Thanh niên đã đưa tin, bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 22.10 về việc đánh giá cấp độ dịch và mở cửa kinh tế, ông Pham Văn Mãi chủ tịch UBND TP.HCM có nói: “TP.HCM sẽ mở dần dịch vụ ăn uống tại chỗ và nhiều dịch vụ khác để người dân phát triển sinh kế theo các bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực”.

Dự kiến, ngày 25.10, TP.HCM sẽ công bố mức độ dịch trên toàn thành phố theo quy định của Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau khi có kết quả công bố, thành phố sẽ căn cứ vào đó để mở lại các hoạt động.

“Thành phố có chủ trương mở lại các dịch vụ nhưng mở ở đâu, khi nào mở, quy mô thế nào là dựa trên đánh giá mức độ an toàn. Tuần sau một số địa bàn, một số ngành sẽ mở. Vì dịch đang diễn biến nên cứ theo nguyên tắc của Nghị quyết 128, địa bàn nào an toàn thì được mở”, ông Mãi cho biết.

Giải quyết những cuộc hẹn bị trì trệ

Bên cạnh đó, nếu thành phố cho khách ngồi tại chỗ sau ngày 25.10 thì nhiều người trẻ cho rằng điều này tạo ra sự thuận lợi trong công việc, cuộc sống của mình.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, 34 tuổi, Q.12, TP.HCM, cảm thấy phấn khích và vui mừng khi nghe tin thành phố dự kiến cho hàng quán đón khách trở lại. Anh Tuấn là một người đam mê phượt nên có nhiều bạn thân thiết cùng sở thích với mình. Trước khi có dịch, anh chàng 34 tuổi này thường xuyên gặp gỡ mọi người để chia sẻ về những chuyến đi sắp tới. Tuy nhiên, anh phải dừng mọi hoạt động hơn 4 tháng qua để phòng, chống dịch Covid-19.

Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) thường xuyên gặp mặt bạn bè tại quán xá để chuyện trò

nvcc (ảnh chụp trước khi có dịch)

“Hiện tại tôi cũng đang lên kế hoạch để giải quyết những cuộc hẹn bị trì trệ khi nghe tin thành phố dự kiến cho ngồi lại quán xá. Tôi tin nếu gặp mặt trực tiếp như thế thì sẽ lên được lịch đi phượt cuối năm dễ dàng và thuận hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ dẫn người yêu, người thân trong gia đình đi ăn trở lại ở các quán ngon, mà trước dịch chúng tôi đã ghé qua”, anh Tuấn chia sẻ.

Theo anh Tuấn, sau ngày 25.10, nếu thành phố chính thức cho khách ngồi lại quán thì anh cũng phải chọn quán không quá đông. Mọi người vẫn phải đảm bảo quy tắc 5k, đeo khẩu trang khi ra đường và luôn sát khuẩn trước và sau khi đến các hàng quán.

Nhiều bạn trẻ chọn quán xá để hợp mặt

Thanh tuấn (hình chụp trước khi có dịch)

Tượng tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, 25 tuổi, ngụ tại hẻm 451/11 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM, hy vọng thành phố sớm cho khách ngồi tại chỗ để chị có thể gặp đối tác để thuận lợi bàn bạc trong công việc.

“Tôi làm việc bảo hiểm nhân thọ. Từ đầu tháng 10 công việc đã trở lại guồng quay nhưng vẫn còn ít khó khăn khi không thể hẹn khách hàng ra một quán xá để nói chuyện được. Vì khi gặp trực tiếp, cùng nhau thảo luận thì rất dễ cho đôi bên trong công việc”, chị Ánh chia sẻ

Chị Ánh nói thêm: “Bây giờ TP.HCM vẫn còn ghi nhận ca nhiễm mỗi ngày nên tôi mong hàng quán không đón khách ồ ạt khi được phép ngồi tại chỗ. Chỉ cho 2-3 khách ngồi “chung mâm”. Mỗi bàn sẽ cách nhau 2m để phòng tránh dịch”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.