TP.HCM sẽ sớm ban hành chiến lược về y tế

15/10/2021 05:03 GMT+7

Ngày 14.10, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ 9 mở rộng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát và đã trải qua 2 tuần thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM về cuộc sống bình thường mới.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết tác động của đợt dịch lần thứ tư phản ánh rất rõ trong bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm. Nếu như 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 5,66% so với cùng kỳ thì đến quý 3 - thời gian TP.HCM thực hiện triệt để giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng giảm 24,4% so với cùng kỳ. Dù vậy, nền kinh tế cũng có một số điểm sáng như tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 271.639 tỉ đồng, giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao TP.HCM ước đạt hơn 16,2 tỉ USD…

TP.HCM sẽ thí điểm tổ chức kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ ở các địa bàn an toàn

NGỌC DƯƠNG

Về nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, ông Lê Hòa Bình cho biết TP.HCM sẽ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế; trong đó rà soát, tổng hợp, phân nhóm các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng... để kịp thời giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Không để lỡ cơ hội

Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thẳng thắn chỉ ra những mặt chủ quan, hạn chế, bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo trước các tình huống dịch bệnh. “Trong đại dịch, chúng ta càng thấy rõ hơn những phẩm chất tốt đẹp của từng cán bộ từ TP đến cơ sở. Đồng thời, chúng ta cũng thấy rất rõ những hạn chế, yếu kém của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống mà bình thường không thể thấy hết”, ông Nên nhìn nhận.

Ông Nên cũng nêu nguyên nhân khách quan xuất phát từ thực trạng dân số, tình hình dân cư, đời sống và sinh hoạt của một bộ phận lao động nghèo kiếm sống bằng nghề dịch vụ đường phố, tá túc ở những khu nhà trọ không đảm bảo yêu cầu khi có dịch, khó thực hiện giãn cách. Hệ thống y tế và hệ thống chính trị cơ sở bộc lộ sự quá sức với số lượng người dân quá lớn khi dịch bệnh ập đến.

Về các nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị khẩn trương ban hành chiến lược về y tế bởi đây là trụ cột trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, trong đó nâng cao chất lượng y tế TP, nhất là y tế cơ sở, đảm bảo người dân tiếp cận sớm nhất ngay từ cơ sở; tạo điều kiện cho y tế công lập, tư nhân, nâng cao khám chữa bệnh; tổ chức lại các trung tâm y tế thuộc UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Tiếp tục khắc phục vấn đề Thủ Thiêm

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP sẽ đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và bổ sung chức năng, nhiệm vụ thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Về kinh tế - xã hội, trong 3 tháng cuối năm, TP.HCM sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục công tác chăm lo an sinh xã hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022, ban hành khung chính sách cho người già neo đơn, trẻ mồ côi do Covid-19. TP.HCM cũng tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế tại Khu đô thị Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, chuẩn bị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.