TP.HCM tìm sản phẩm xuất khẩu chủ lực

Chí Nhân
Chí Nhân
30/08/2018 06:53 GMT+7

Ngày 29.8, Sở Công thương TP.HCM tổ chức hội thảo về đề án “Định vị sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu”.

Trường đại học Fulbright là đơn vị thực hiện xây dựng đề án này. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương, mục tiêu của đề án nhằm xây dựng cái nhìn toàn diện về hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố, xác định đâu là sản phẩm chủ lực, nhóm ngành có tính cạnh tranh cao trong thế giới hội nhập hiện nay, từ đó xây dựng chính sách phát triển.
Đến thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu chưa đưa ra câu trả lời cụ thể thành phố cần chọn sản phẩm nào làm chủ lực mà chỉ đưa ra những kịch bản phát triển.
Theo đó, nếu lựa chọn phát triển dựa vào quy mô như hiện tại đồng nghĩa phát triển theo chiều rộng. Lựa chọn này bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhưng sẽ không tạo ra được sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Trong khi đó, nếu muốn chuyển đổi sang những sản phẩm có tính công nghệ, khả năng cạnh tranh cao phải chấp nhận rủi ro về thời gian chuyển đổi, nâng cấp. Đó là lý do nhóm nghiên cứu đưa ra các kịch bản để thảo luận và lựa chọn. Sau khi thành phố lựa chọn kịch bản phát triển, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện và cụ thể hóa đề án.
TS Trần Du Lịch góp ý: Đề án mới bàn về sản phẩm hàng hóa mà chưa tính tới sản phẩm dịch vụ. Thành phố có nên sản xuất sản phẩm cụ thể hay tìm cách tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm? Ông cho rằng thành phố không nên cố đi tìm xem mình sản xuất sản phẩm cụ thể nào đó mà nên xây dựng vị thế là trung tâm tạo ra chuỗi giá trị. Điều này có nghĩa nên thay đổi tư duy, không nên bàn chiến lược phát triển riêng của thành phố mà nên tính tới việc phát triển theo vùng kinh tế, trong đó có vai trò đầu tàu của thành phố. Trước đây thành phố đã nhiều lần xác định sản phẩm chiến lược, chủ lực nhưng không thành công do không tính đến sự liên kết phát triển vùng và tách rời các mục tiêu dài hạn. Đây là điều mà đề án cần tính đến.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng cho rằng thành phố nên chú ý phát triển các sản phẩm dịch vụ về tài chính, logistics... vì hiện tại các thế mạnh như hàng nông thủy sản là của các địa phương khác, không phải thế mạnh của thành phố. Thành phố có những ngành như dệt may, da giày, nhựa, điện tử thì đó lại là những ngành gia công và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.