TP.HCM 'trải thảm' mời vốn 54 tỉ USD

09/05/2019 06:47 GMT+7

Có 210 dự án tập trung lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng được đưa ra mời chào tìm nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2019 do UBND TP.HCM tổ chức hôm qua (8.5).

Tổng nhu cầu vốn cho 210 dự án trên là 1.183.610 tỉ đồng (gần 54 tỉ USD).

Nhiều dự án đầu tư hạ tầng cần hàng tỉ USD

Tại phiên thảo luận trao đổi về các dự án mời gọi đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, văn hóa - du lịch, thương mại và dịch vụ, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chủ trì cho biết, đã có ít nhất 14 nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đến 35 dự án trong danh mục 210 dự án mời gọi đầu tư lần này.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và các nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2019 Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và các nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2019 Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đại diện NĐT đến từ Trung Quốc chuyên sản xuất thiết bị phòng cháy báo cháy cho biết họ có sẵn nguồn vốn 5 triệu USD quan tâm đầu tư vào các dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ. “Với số tiền đó, chúng tôi muốn tham gia các dự án về nhà ở và bất động sản thương mại. Vậy chúng tôi sẽ liên lạc với ai và ai giúp chúng tôi thực hiện dự án này?”, đại diện NĐT nêu câu hỏi.
Các bạn chịu khó thêm vài năm nữa, chúng tôi hứa tình trạng giao thông sẽ được cải thiện trong vài năm tới
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT, giải thích: Đối với các dự án sử dụng đất, tái đầu tư, thương mại dịch vụ, nguyên tắc có 4 hình thức lựa chọn NĐT thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định hiện hành. Đó là lựa chọn NĐT có sử dụng đất theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; giao đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất theo hình thức đấu giá; lựa chọn NĐT theo hình thức đấu thầu và theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, bà Mai nhấn mạnh: “Tùy dự án mà NĐT quan tâm thuộc thẩm quyền của TP hay đơn vị nào, chúng tôi sẽ tiếp nhận và hướng dẫn NĐT cụ thể hơn”. Còn tại hội nghị này, TP ưu tiên mời gọi NĐT tham gia cụ thể vào 210 dự án theo danh sách công bố.
Ông Trần Quang Nguyên giới thiệu đại diện NĐT quan tâm 2 dự án khách sạn ở khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2) và Safari ở Củ Chi. “Tôi có biết trước đây có NĐT vào tham gia dự án Safari, sao nay TP lại mời gọi đầu tư? Chúng tôi muốn biết rõ hơn tình trạng hiện nay của dự án thế nào?”, ông Nguyên hỏi. Tương tự, ông Nguyễn Thành Sinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty tư vấn xúc tiến Á Châu, hỏi: “TP đang mời gọi đầu tư vào dự án khu văn hóa tại Q.9, thị sát tôi thấy, tình trạng giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong. Ngoài ra, đầu tư vào công viên văn hóa giải trí khả năng thu hồi vốn rất chậm. Xin TP cung cấp thông tin về giải phóng mặt bằng cũng như chính sách ưu đãi nếu có liên quan đến dự án này”.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng tối đa cho nhà đầu tư

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP.HCM đóng góp khoảng 24% tổng sản phẩm quốc nội, 28% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đến nay, có trên 8.000 dự án đầu tư FDI vào TP với tổng mức đầu tư đạt 45 tỉ USD và 152 dự án hợp tác công - tư đã và đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư là 20 tỉ USD.
Tuy nhiên, lãnh đạo TP thừa nhận, chính việc chuyển mình thành siêu đô thị khiến TP ngày càng đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm, ngập nước, kẹt xe... Những thách thức này không chỉ gây trở ngại mà là rào cản tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của TP. Với tham vọng tăng trưởng lên 8 - 8,5% trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM cần huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 78 tỉ USD, trong đó nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 40 tỉ USD. Hiện tại khả năng cân đối của TP chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Ngoài ra, việc giảm ngân sách cho TP.HCM từ 23% xuống 18% trong giai đoạn 2017 - 2018 đã tác động không nhỏ đến nguồn đầu tư của TP.
Dù vậy, ông Phong nhiều lần khẳng định TP cam kết bảo vệ lợi ích chính đáng của các NĐT. Ông nói: “Chúng tôi có tham vọng xây dựng TP.HCM thành đô thị đặc biệt, chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cảm thấy yên tâm nhất khi đầu tư vào đây trong tâm thế ổn định lâu dài”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bổ sung, NĐT đến TP.HCM không chỉ làm hàng để bán cho thị trường tiêu thụ 9,5 triệu dân mà còn hưởng lợi bán sang các vùng lân cận với hơn 20 triệu dân hoặc xuất khẩu. Ông phân tích, với sức mua trung bình gấp 2,1% lần bình quân cả nước, vùng kinh tế trọng điểm có sức mua của khoảng 42 triệu dân của cả nước. Mặt khác, nếu chỉ tính khoảng 20% của 20 triệu người có thu nhập cao thì trong khoảng 10 km2 sẽ có khoảng 4 triệu người tiêu dùng, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM đây là lượng khách hàng tiềm năng đối với các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Đó là chưa tính lực lượng lao động dồi dào, trẻ và trình độ ngày càng cao, ổn định. “Đây là lợi thế để các bạn đến TP.HCM sản xuất, đầu tư lâu dài”, ông Nhân nhấn mạnh.

Vài năm nữa sẽ giảm kẹt xe, ngập nước

Với hơn 700 NĐT trong nước, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM 2019 nhận được sự quan tâm khá lớn của các NĐT nước ngoài. Bên lề hội nghị, ông Tong Tong, NĐT đến từ Thượng Hải, cho biết ông và một số nhà đầu tư đang quan tâm dự án nhà thương mại của TP mời gọi đầu tư kỳ này. Ông Tong Tong cũng cho biết nhóm các NĐT của ông đã có dự án đầu tư tại Biên Hòa, Đồng Nai từ năm ngoái. Ngoài ra, ông Panchanit R.T, NĐT đến từ Singapore lại phàn nàn TP.HCM xe máy nhiều quá, kẹt xe quá.
Vấn nạn kẹt xe đang là rào cản tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương
Vấn nạn kẹt xe đang là rào cản tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương
Về vấn nạn kẹt xe, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận mặt “hạn chế” này của TP và cho biết đang từng bước khắc phục.
Cụ thể, TP đang tập trung thực hiện phát triển các dự án hạ tầng giao thông như 6 tuyến tàu điện ngầm, đường cao tốc trên cao, các tuyến đường vành đai... Đặc biệt, TP đang chạy nước rút để đến năm 2021 đưa vào khai thác tuyến tàu điện ngầm đầu tiên (metro Bến Thành - Suối Tiên) và triển khai dự án metro Bến Thành - Tham Lương...
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hứa: “Các bạn chịu khó thêm vài năm nữa, chúng tôi hứa tình trạng giao thông sẽ được cải thiện trong vài năm tới”. Ngoài ra, ông Nhân cũng bày tỏ tham vọng của TP muốn “biến rác thành điện” vào năm 2021 và kêu gọi NĐT tham gia. Bởi hiện tại TP mỗi ngày có đến 9.000 tấn rác thải ra. Ông Nhân nói: “NĐT nào muốn biến rác thành điện thì hãy đến TP.HCM”.
Bàn về quỹ đất đón nhà sản xuất trong tương lai, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thông tin, thành phố đang thỏa thuận với người dân để cùng tạo quỹ đất cho NĐT, đang xây thêm 1 khu công nghiệp rộng 600 ha để năm 2020 trở đi có thể “chào hàng” được cho các NĐT, với tham vọng xây dựng TP có nền kinh tế số, kinh tế tri thức, thành phố thông minh...
 
Trong số 210 dự án kêu gọi đầu tư, có 85 dự án hạ tầng giao thông cần gần 42 tỉ USD (làm tròn số); 36 dự án cơ sở hạ tầng có tổng vốn hơn 4,9 tỉ USD; 2 dự án nông nghiệp có tổng vốn đầu tư 73 triệu USD; 9 dự án thương mại - dịch vụ cần 745 triệu USD; 29 dự án chỉnh trang đô thị cần hơn 2,1 USD; 14 dự án giáo dục cần 138 triệu USD; 6 dự án y tế cần tổng vốn gần 600 triệu USD; 15 dự án lĩnh vực văn hóa - thể thao cần 3,1 tỉ USD và 14 dự án trong lĩnh vực du lịch - giải trí cần 123 triệu USD đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.