TP.HCM: Vì sao xét xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong?

28/06/2022 14:57 GMT+7

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn cho biết phía bị hại không có yêu cầu xét xử kín. Tuy nhiên, tòa quyết định xét xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong là do bị hại dưới 18 tuổi.

Như Thanh Niên thông tin, Tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND TP.HCM đã có quyết định đưa vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong ra xét xử sơ thẩm. Phiên tòa dự kiến diễn ra ngày 21.7 và được xét xử kín.

TP.HCM: Vì sao xét xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong?

Bị can Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, cha của bé N.T.V.A, 8 tuổi) bị truy tố về tội “hành hạ người khác” và “che giấu tội phạm”. Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, ngụ Gia Lai, sống chung như vợ chồng với Thái) bị truy tố về tội “giết người” và “hành hạ người khác”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, chủ tọa phiên tòa thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn cho biết phía bị hại không có yêu cầu xét xử kín. Tuy nhiên, trong vụ án này bị hại dưới 18 tuổi và bị bạo hành nên tòa căn cứ theo thông tư 02/2018/TT-TANDTC của TAND Tối cao, quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi để đưa ra quyết định xét xử kín.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư (LS) Trần Minh Cường (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo quy định tại Điều 103, Hiến pháp năm 2013 hoạt động tố tụng của tòa án là xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín.

Bị can Trang và Thái

THANH TUYỀN

Bên cạnh đó, tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định, tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Cũng theo Thông tư 02/2018/TT-TANDTC của TAND Tối cao quy định, trong những vụ án có bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa án phải xét xử kín. Những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi, tòa án đều có thể áp dụng xét xử kín.

“Quay trở lại vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong, nhiều khả năng trong quá trình xét xử sẽ có nhiều chứng cứ được công bố như lời khai, hình ảnh, video về hành vi bạo hành của các bị cáo. Nếu những hình ảnh này bị truyền tải, nhiều khả năng ảnh tác động tâm lý tiêu cực đến dư luận. Điều này sẽ khiến gia đình bị hại bị sốc và ám ảnh”, LS Cường phân tích.

Theo LS Cường, trong vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong, mặc dù được sự quan tâm của dư luận nhưng việc xem xét xử kín cũng là điều tòa án cân nhắc để hạn chế một số vấn đề ảnh hưởng đến đời tư, cuộc sống của gia đình bị hại. Tuy nhiên, hoạt động xét xử là để xác định sự thật khách quan, đúng người, đúng tội đồng thời tuyên truyền pháp luật. Theo quy định, tòa án sẽ tuyên án công khai để người dân và các cơ quan truyền thông đều có quyền được biết kết quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.