TP.HCM xem xét cho bán vé số trở lại: 'Chờ mòn mỏi gần 4 tháng trời'

20/10/2021 12:14 GMT+7

Sau gần 4 tháng TP.HCM tạm ngưng hoạt động bán vé số, nhiều người từng suốt ngày bám đường phố mưu sinh đã trải qua nhiều biến cố. Giờ đây, nghe tin sắp được bán trở lại, ai cũng háo hức vì đã 'chờ mòn mỏi gần 4 tháng trời'.

Những người quê Phú Yên trong căn nhà vé số này đã về quê.

vũ phượng

Trong cuộc họp chiều 19.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị thời gian tới cần xem xét mở thêm một số dịch vụ như quán ăn phục vụ tại chỗ, hoặc các hoạt động sinh kế khác để tạo ra thu nhập cho người dân. Trong đó, Chủ tịch UBND TP.HCM nhắc tới việc cần nghiên cứu bán vé số trở lại, vì sẽ mở ra việc làm, cơ hội tăng thu nhập cho nhiều người dân, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội.

Trước đó, một số người bán vé số dạo tại TP.HCM cũng cho biết nhận được các cuộc gọi từ đại lý nhắc chuẩn bị tinh thần lấy vé số đi bán.

Covid-19 sáng 20.10: Cả nước 865.558 ca nhiễm, 792.029 ca khỏi | TP.HCM thí điểm mở cửa trường học

"Chúng tôi sẽ vào, tiếp tục đi bán"

Ông Ngô Văn Tiến (60 tuổi, quê Phú Yên) - người được xem là “tổng quản” của căn nhà vé số ở 24/22A đường Nguyễn Văn Cừ (P.Cầu Kho, Q.1) cho biết qua 3 đợt dịch, mấy chục cụ già sống ở đây đều bình an. Nhưng tới đợt thứ tư vừa rồi, 6/7 người bám trụ lại đã nhiễm Covid-19.

Từng bị giật vé số mất sạch tiền tiết kiệm, vợ chồng ông Quý vẫn chọn nghề này để mưu sinh

vũ phượng

Thời gian đầu khi TP.HCM tạm ngưng hoạt động bán vé số từ ngày 9.7, 7 cụ già bán vé số sống ở căn nhà này vẫn ráng ở lại, chờ hết 15 ngày để được đi bán lại. Nhưng sau 15 ngày, rồi 1 tháng, 2 tháng, tới nay vẫn chưa biết ngày nào vé số có thể bán trở lại. Ngôi nhà vé số trụ được qua dịch nhờ những phần cá tươi, rau củ, mì gói, gạo… của các nhà hảo tâm và của bạn đọc Báo Thanh Niên khắp nơi gửi đến.

Sau thời gian cách ly điều trị, cả 6 cụ già trong nhà đều âm tính và sau đó được Hội đồng hương Phú Yên đưa về quê. Ông Tiến kể lúc bị F0 cả nhà đều lo, nhất là bà cụ 72 tuổi bị đủ thứ bệnh tuổi già. May mắn đến giờ mọi người đã bình an. Vợ chồng ông Tiến hiện đang ở H.Tuy An, trong xóm đang có 7 - 8 nhà F0, lại tiếp tục cảnh cách ly, vợ chồng ông mới test lại, vẫn âm tính.

Người bán vé số ở quê khi nghe tin TP.HCM xem xét cho bán vé số tiếp tục cho biết họ háo hức chờ ngày được quay lại

vũ phượng

“Có ai ngờ đâu đợt dịch này thất nghiệp lâu như vậy. Khi nào TP.HCM cho bán vé số trở lại và đi lại được thì chúng tôi sẽ vào, tiếp tục bán vé số, nghề của mình mà. Chờ đợi lâu lắm rồi để được quay trở lại với công việc kiếm tiền. Mọi người cũng tính là nếu vào ít quá thì gộp qua một nhà vé số khác ở Q.5 ở chung cho tiết kiệm, được làm lại là mừng rồi”, ông Tiến tâm sự.

"Tiền đâu lấy số?"

Hai chân bị tật, việc di chuyển phụ thuộc vào chiếc xe lăn chi chít vết rỉ sét, anh Bùi Văn Biên (40 tuổi, quê Quảng Bình) vào TP.HCM đi bán vé số. Khi chưa có dịch, anh đi bán quanh khu vực quận Bình Tân, mỗi ngày kiếm được 150.000 - 200.000 đồng.

Đợt dịch vừa qua, vợ anh mất đột ngột, bỏ lại một mình anh trong căn phòng trọ lạnh lẽo. Ở khu vực "vùng đỏ", anh tuân thủ quy định ở yên trong nhà. Ngay cả đám tang vợ anh cũng do địa phương và nhà hảo tâm hỗ trợ.

Anh Biên vừa trải qua "cú sốc" mất vợ do dịch Covid-19

vũ phượng

Sáng 20.10, anh tâm sự: "Đại lý gọi điện thoại báo 22.10 này sẽ xổ số đài Bình Dương, Vĩnh Long, chuẩn bị đi bán lại. Nhưng gần 4 tháng ở không rồi, tiền đâu mà lấy số đi bán, tôi cũng trằn trọc lắm. Mai chạy ra hỏi xem họ cho lấy thiếu không, bán về rồi trả chứ vốn cũng là cả vấn đề. Dù sao được đi bán lại là tôi cũng mừng lắm rồi, chân tay như thế này thì chỉ bán vé số được thôi chứ biết chuyển nghề nào".

Theo lời anh Biên, xuyên suốt dịch, anh và những người trong xóm trọ khuyết tật lay lắt qua ngày nhờ thực phẩm tiếp tế từ địa phương và các mạnh thường quân. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, cả xóm trọ cầm cự được tới ngày hôm nay.

Xóm có hơn chục người bán vé số, giờ 3 người đã về quê và những người còn lại quyết bám trụ TP.HCM chờ ngày được ra đường bán vé số.

Tuổi cao, sức khỏe ngày càng đi xuống nhưng ông Năm Hương vẫn sẵn sàng ra đường đi bán vé số khi được cho phép

vũ phượng

"Mấy tháng dịch đầu tiên bớt được 500.000 đồng/tháng, 2 tháng bùng phát mạnh chủ nhà trọ thì miễn luôn chỉ lấy điện nước. Tôi đã sốt ruột lắm rồi, sắp tới đây sẽ ghép phòng cùng một chú xe ôm không nhà cửa để san sẻ tiền trọ", anh Biên bộc bạch.

Ông Nguyễn Thanh Hương, tên thường gọi ông Năm Hương (66 tuổi, quê H.Đông Hòa, Phú Yên) bán vé số ở Sài Gòn được 21 năm. Năm 12 tuổi, ông dẫm phải mìn trong lần đi chăn bò nên bị cụt 1 chân.

Gần 4 tháng tạm ngưng vé số là thời gian căn nhà vé số của ông trải qua nhiều biến cố. 8 người về quê theo các chuyến xe được tỉnh tài trợ, 4 người không được xét về đành ở lại, chờ đợi ngày được đi bán vé số.

Ông Năm Hương thở dài: "Ở lại 4 người thì 1 người chết vì Covid-19, 3 người còn lại sốc lắm. Tôi cũng cách ly tại nhà, may mắn không sao. Giờ đường phố đông đúc lại rồi, nhưng 4 tháng qua ở không, tiền tiết kiệm được bao nhiêu đã chi tiêu trong dịch hết sạch không biết vốn đâu mà lấy số đi bán".

Nghe tin TP.HCM đang xem xét bán vé số trở lại, ông Năm Hương cho biết, nếu được ra ngoài, ông sẽ đi bán quanh khu vực Q.1, Q.3, tìm lại những khách quen cũ.

Sức khỏe ngày càng đi xuống, ông Năm Hương dự định bán thêm 1 năm nữa để kiếm tiền dưỡng già rồi về quê. "Chứng kiến đồng nghiệp, đồng hương ở chung nhà nhiễm Covid-19 rồi mất, tôi sợ lắm rồi. Nếu được đi bán lại thì sẽ tuyệt đối chú trọng phòng dịch, vì mình và mọi người nữa", ông bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.