TP.Đà Nẵng bị ngập lụt: Con người đều an toàn nhờ chủ động phòng, chống thiên tai

Đình Huy
Đình Huy
19/10/2023 14:49 GMT+7

Theo Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, TP.Đà Nẵng thiệt hại nặng về tài sản nhưng tính mạng người dân vẫn được đảm bảo an toàn là do có sự chủ động về phòng, chống thiên tai.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập lụt ở Đà Nẵng

Trong đợt mưa lũ tại miền Trung những ngày vừa qua, TP.Đà Nẵng thường xuyên ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.

Đà Nẵng chìm trong biển nước: Thiệt hại do một số người dân chưa biết chống ngập - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tiến chia sẻ một số cách phòng, chống ngập

ĐÌNH HUY

Nói về vấn đề này, sáng 19.10, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt ở Đà Nẵng như nước ở sân bay tràn xuống, nước ở khu công nghiệp tràn sang khu đô thị hay mưa lớn đều trên các vùng khiến nước dồn ở biển vào đô thị.

"Tôi có đi kiểm tra một số điểm ngập lụt ở Đà Nẵng thì thấy địa phương thực hiện các chỉ đạo của T.Ư rất nghiêm túc, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trực tiếp chỉ đạo chống ngập bằng cách chỉ đạo đưa máy bơm, bơm nước lũ ra ngoài", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, quá trình đi kiểm tra, ông được lãnh đạo địa phương dẫn đến một số ngôi nhà bị ngập nặng trên đường Mẹ Suốt. Qua quan sát, ông nhận thấy những ngôi nhà này cơ bản không triển khai các biện pháp chống ngập lụt đô thị của cơ quan phòng chống thiên tai, dẫn đến thiệt hại nặng về tài sản.

"Tôi rất xót xa khi nhìn thấy cảnh tượng này. Tại đây, tôi cũng hướng dẫn các hộ gia đình một số phương pháp của dân gian hay những phương pháp gia đình tôi đã thực hiện và có hiệu quả như đóng cánh phai, dùng khung bạt có độ chắc cắm áp vào nền nhà, áp vào bên tường. Nếu ép không hết độ thấm, có thể dùng đất sét có sẵn ở nhiều địa phương để nén ép chặt để ngăn nước vào nhà", ông Tiến chia sẻ.

Ngoài ra, trong tình trạng ngập lụt và nước dâng nhanh, người dân có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, linh động xử lý tình hình trong điều kiện phù hợp với thực tế, trong số đó việc kê cao đồ đạc có lẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để tránh các thiệt hại, hư hỏng về tài sản.

Thiệt hại về tài sản nhưng con người được an toàn

Mặc dù thiệt hại nặng về tài sản nhưng ông Tiến đánh giá cao sự chủ động phòng, chống thiên tai của chính quyền và người dân Đà Nẵng, khiến tính mạng con người được an toàn (so với cùng kỳ năm ngoái, mưa lũ ở Đà Nẵng làm 7 người chết).

Đà Nẵng chìm trong biển nước: Thiệt hại do một số người dân chưa biết chống ngập - Ảnh 2.

Người dân Đà Nẵng sơ tán vì ngập lụt

HUY ĐẠT

Trong cuộc họp giao ban với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai sáng 18.10, ông Tiến phân tích, thiệt hại do ngập lụt ở Đà Nẵng là do 100% người dân chủ quan, không kê cao đồ và sử dụng các kỹ thuật để chống ngập trong khu đô thị. Ngay sau đó, nhận định này đã gây xôn xao dư luận và bị nhiều người dân địa phương phản ứng.

Giải thích về vấn đề này, ông Tiến cho hay, trong cuộc họp sáng 18.10, ông đã thông tin những câu nói chưa đầy đủ, gây hiểu nhầm do thời gian quá gấp. Ông Tiến khẳng định một số gia đình ông đến kiểm tra chưa triển khai các biện pháp chống ngập lụt đô thị như hướng dẫn của Ban chỉ đạo T.Ư. 

"Chúng tôi muốn lấy những trường hợp thiệt hại, mất mát do sự chủ quan đó để cảnh báo người dân hơn nữa. Đặc biệt trong bối cảnh cơn bão số 5 còn đang diễn biến phức tạp trên Biển Đông, tiếp tục gây mưa lớn trong những ngày tới. Qua đây, tôi cũng gửi lời xin lỗi đến người dân và chính quyền Đà Nẵng vì những gì tôi đã phân tích nhưng chưa nói cặn kẽ, đầy đủ", ông Tiến nói thêm và cho rằng chính quyền địa phương từ cấp cơ sở đến thành phố và người dân Đà Nẵng đều thực hiện rất tốt, chủ động phòng chống ngập lụt trong đợt mưa lũ vừa qua.

TP.Đà Nẵng bị ngập lụt: Thiệt hại do một số người dân chưa biết chống ngập - Ảnh 3.

Ông Tiến và đoàn kiểm tra hỗ trợ mì tôm cho người dân vùng ngập ở Đà Nẵng

NGỌC HÀ

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đợt mưa từ ngày 13.10 đến nay tại miền Trung đã gây ngập lụt tại một số địa phương. Đặc biệt, tại TP.Đà Nẵng, ngập lụt xảy ra tại nhiều quận, huyện. Thời gian cao điểm nhất toàn Đà Nẵng phải sơ tán khoảng 7.600 người dân, hơn 1.000 ngôi nhà bị ngập và tất cả học sinh phải nghỉ học.

Đến ngày 18.10, tại các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang của thành phố này vẫn ngập cục bộ tại nhiều vị trí.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.