Ngày 18.11, Sở TT-TT TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard với báo chí. Họ là 2 trong 3 người Thụy Sĩ dũng cảm treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà ở Paris ngày 19.1.1969.
55 năm mới tìm được người treo cờ
Mở đầu chương trình, GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, cho biết cách đây 55 năm, khi sự việc diễn ra, ông là nhà báo thuộc phái đoàn Việt Nam đang tác nghiệp tại Pháp. Trực tiếp nhìn thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh nhà thờ, ông Phú xúc động, tay “run rẩy” lấy máy ảnh ghi lại.
Ông Trình Quang Phú khẳng định, đây là hành động cao cả, rất anh hùng. Nhưng khi đó ông không biết ai là người treo cờ. 55 năm sau, ông được bà Trần Tố Nga, nhà hoạt động môi trường người Pháp gốc Việt, đại sứ cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam liên lạc và cho biết thông tin.
Giáo sư Trình Quang Phú cho rằng, đây là cuộc gặp đặc biệt trong bối cảnh sắp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, là dịp tri ân những người bạn đã đồng hành cùng Việt Nam suốt chặng đường lịch sử.
Trong chuyến sang thăm Việt Nam từ ngày 15.11 tại TP.HCM, ông Bernard Bachelard và ông Olivier Parriaux nay đã ngoài 80 tuổi.
Muốn thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam
Ông Olivier Parriaux khiêm tốn chào tất cả phóng viên, rồi đứng lên chỉ vào màn hình, miêu tả chi tiết hành động treo cờ.
Khi đó, Olivier Parriaux 25 tuổi, là sinh viên vật lý; Bernard Bachelard 26 tuổi, là giáo viên thể dục, còn Noé Graff 24 tuổi, là sinh viên khoa luật. Họ đều là những thanh niên hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam.
Cụ thể, trước khi hành động, ông Olivier Parriaux xây dựng toàn bộ kế hoạch. Nhưng thực tế, họ mất 30 tiếng đồng hồ để thực hiện thành công.
Trong đó, ông Olivier và Bernard leo lên chóp tháp nhà thờ Đức Bà treo cờ, còn Noé Graff lái xe, canh gác. Xong việc, họ tạt qua trụ sở nhật báo Le Monde gửi thông cáo báo chí hành động của mình rồi về nhà. Sự kiện trên trở thành đề tài nóng hổi cho báo chí quốc tế khai thác vào thời điểm ấy.
Giải đáp vì sao chọn nhà thờ Đức Bà Paris, ông Olivier Parriaux nhận định, đây là nơi mang đậm tính nhân văn, vị trí cao và được thế giới kính trọng, phù hợp để “ăn mừng” việc Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Theo ông Olivier, điều đó dẫn đến sự công nhận quốc tế với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sau 9 năm thành lập.
Xuyên suốt buổi trao đổi, ông Olivier không nhận việc đấu tranh vì hòa bình cho một đất nước xa xôi như Việt Nam là “chiến công” hay “anh hùng”. Chỉ đơn giản, ông Olivier cho rằng: “Tôi muốn thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới”.
Trao đổi với phóng viên về sự cố bất ngờ không lường trước, ông Olivier kể: “Với diện tích nhỏ ở phần chóp đỉnh, tôi không có chỗ chạy lấy đà để trèo lên cao. Tôi cũng tính sai độ cao và độ lớn của bức tường, độ dốc lại lớn 60 độ. Nhưng rồi, chúng tôi cố bám trụ, vượt qua”. Trả lời câu hỏi của phóng viên về nỗi sợ lớn nhất, ông Olivier Parriaux cho biết: “Chỉ sợ không làm được, không treo cờ thành công”.
Khép lại chương trình, trả lời câu hỏi sẽ kể gì về Việt Nam khi trở lại Thụy Sĩ, ông Olivier bày tỏ sự đồng cảm với hậu quả chiến tranh, nhất là di chứng nặng nề của chất độc da cam ở Việt Nam và nhấn mạnh sự đón tiếp nồng hậu của thành phố.
Ông Olivier Parriaux cho biết, cách đây 5 năm, nhìn thấy đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà ở Paris đã bị hỏa hoạn thiêu rụi nên nghĩ rằng phải viết sự thật câu chuyện này. Đó là cơ duyên cuốn sách có tên Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame (tạm dịch: Cờ Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà) ra đời, năm 2023.
Bình luận (0)