Ngày 28.4, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM tổ chức lễ bàn giao khai thác 4 tuyến xe buýt trợ giá (số 01, 15, 65, 152) cho HTX số 28 và doanh nghiệp Bảo Yến khai thác trong vòng 5 năm.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 127 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó có 90 tuyến xe buýt trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa đã tạo ra áp lực lớn đối với phát triển hạ tầng, trong đó có hệ thống công cộng.
Cụ thể, từ năm 2014 - 2018, lượng khách giảm bình quân 6,6%/năm. Đến năm 2019, lượng khách đạt 255 triệu lượt, giảm 12% so với năm 2018. Trong năm 2021, con số dự kiến chỉ đạt 159 triệu lượt.
|
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ mang lại hình ảnh xe buýt thân thiện đối với người dân, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị vận tải đảm nhiệm khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP.HCM.
Để lựa chọn đơn vị đấu thầu 4 tuyến xe buýt 01, 15, 65 và 152, Trung tâm đã xây dựng các điều kiện về phương tiện, nhân sự, cơ sở hạ tầng…theo quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời Trung tâm còn áp dụng Bộ chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ (KPI) do chuyên gia của Ngân hàng thế giới tư vấn.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, cho biết sự cải tiến dịch vụ giao thông công cộng xe buýt là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM. Do đó, việc lựa chọn đơn vị đấu thầu có năng lực là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng xe buýt trong thời gian tới.
Qua đó, đơn vị Liên danh Bảo Yến - HTX 28 đã trúng thầu 4 tuyến xe buýt trên, lộ trình khai thác bắt đầu từ ngày 1.5. Trong đó, 3 tuyến: 01, 65, 152 sẽ có thêm 42 xe buýt chất lượng cao, mới 100%.
Đồng thời, TTQL Giao thông công cộng đang tổ chức đầu thầu 2 tuyến 04 và 43 cũng với tiêu chí trên. Dự kiến đến năm 2023, Trung tâm sẽ rà soát, tổ chức đấu thầu toàn bộ tuyến xe buýt còn lại.
Bình luận (0)