Bác sĩ Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, thông tin thêm, rạng sáng 13.9, nam bệnh nhi được chuyển từ Kon Tum đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng mắc bệnh bạch hầu ở ngày thứ 7.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng với biểu hiện sốt, lừ đừ, huyết áp thấp; suy tim, rối loạn nhịp, men tim tăng cao gấp nhiều lần. Ngay lập tức bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp, dùng thuốc vận mạch và cho thở máy.
Với tình trạng bệnh nặng, bệnh nhi được xem xét sử dụng ECMO (kỹ thuật ô xy hóa máu màng ngoài cơ thể) để có thể cứu sống. Tuy nhiên, do tình trạng tổn thương tim nặng, bệnh nhi không qua khỏi sau 10 giờ nhập viện.
Nguyên nhân tử vong là do bạch hầu gây biến chứng viêm cơ tim nặng, hoại tử cơ tim nặng.
Trước đó, vào tháng 6 và 7.2020, 2 bệnh nhi mắc bạch hầu ác tính tại tỉnh Đắk Nông chuyển xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng không qua khỏi do biến chứng viêm cơ tim nặng.
Cách đây 2 tháng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng tiếp nhận 1 nam bệnh nhi khác 6 tuổi (ngụ Kon Tum) mắc bạch hầu biến chứng viêm cơ tim nặng, rối loạn nhịp tim… Bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo, cho thở máy. Đến ngày 14.9, bệnh nhi đã ngưng thở máy, trước đó cũng đã ngưng máy tạo nhịp tim nhân tạo. Hiện bệnh nhi tiếp xúc được...
Hiện khoa Hồi sức tích cực chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang điều trị một nữ bệnh nhân bạch hầu khác (17 tuổi, ngụ Lâm Đồng), nhập viện cách đây 1 tuần. Hiện bệnh nhân tỉnh táo.
Bình luận (0)