“Thót tim” vì tiếng còi xe cấp cứu
Chị Thắm (38 tuổi, ngụ P.5, Q.Gò Vấp) tốt nghiệp cấp 3 ở dưới quê thì khăn gói lên Sài Gòn học, ra trường đi làm, lập gia đình và sinh sống ở đây. “Hồi nào tới giờ tôi chỉ ở Gò Vấp. Trước đó bạn bè hỏi dịch giã thế này sao không về quê, tôi bảo sao được vì về nhà thì ba mẹ mình là người bị ảnh hưởng đầu tiên, họ cũng lớn tuổi rồi”, chị tâm sự.
Cuộc sống của gia đình chị Thắm có phần tạm ổn hơn nhiều người vì còn có thể đi chợ hay siêu thị. Do đó, chị thấy thương những người sống trong các con hẻm bị phong tỏa không thể ra ngoài. Mấy hôm nay, người phụ nữ này vẫn thường đứng ra kết nối mạnh thường quân với các hộ dân đang phải cách ly tại nhà. Có người được giúp cảm ơn chị rối rít, thấy vậy nên cũng ấm lòng.
|
Chị bộc bạch: “Nhà có con gái nhỏ, lo sức đề kháng của vợ không tốt nên việc chợ búa những ngày qua đều do ông xã đảm nhận. Mới đây anh bảo với vợ là nếu mà được đi ra khỏi quận thì anh sẽ xuống chợ đầu mối mua rau củ quả rồi về phân phát cho bà con”.
“Nhà tôi ở ngay mặt đường lớn, cứ mỗi lần nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu trong đêm lại hoảng sợ và nhìn theo xem thử nó có quẹo vô hẻm nào gần nhà mình không”, chị Thắm chia sẻ. Chắc hẳn đó không phải là nỗi sợ của riêng gì ai, đặc biệt là những người sống trong vùng dịch lúc này.
Mong khỏe mạnh làm chỗ dựa cho con
Ngày 15.3, anh Nông Văn Hoàng (25 tuổi, ngụ P.8, Q.Gò Vấp) một mình ẵm con từ quê xuống TP.HCM để chữa bệnh. Hai cha con thuê một căn trọ nhỏ với giá 2 triệu đồng/tháng. Mọi chi phí chữa bệnh, sinh hoạt của cha con anh đến nay đều trông nhờ vào bố mẹ ở quê và đồng lương công nhân ít ỏi của vợ đang làm ở Bình Dương.
|
Anh Hoàng cho biết, kể từ hôm phong tỏa, mấy anh chị sống chung dãy trọ thương hoàn cảnh của hai cha con nên người biếu chút thịt, người tặng bó rau. Thỉnh thoảng anh mới ra đầu hẻm mua vài lốc sữa để dành cho con uống.
“Năm ngoái cứ 1-2 tháng tôi lại ôm con xuống Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau đó nghe nhiều người mách rằng ở thành phố có trung tâm phục hồi chức năng hay lắm, tôi quyết định gác hết việc vườn tược ở quê để đưa con trai xuống đây chữa bệnh. Thương bé bại não, gần 3 tuổi chỉ mới tập bò, tôi dành toàn bộ thời gian để chăm sóc con. Mỗi ngày con tập 2 ca, mỗi ca 1 tiếng. Mới vài tuần thôi nhưng thấy có tiến triển tốt, giờ dịch bệnh trung tâm đóng cửa nên tạm ngưng”, người bố chia sẻ.
|
|
Khoảng 2 tuần nay, anh Hoàng cảm thấy khó chịu trong người, đi khám thì được bác sĩ kê đơn thuốc viêm dạ dày. Anh tâm sự: “Cứ mỗi lần ho hay tức ngực chút tôi lại liên tưởng tới việc không may, chắc tại bản thân hay lo nghĩ nhiều. Mấy ngày trước thấy lực lượng chức năng đến phong tỏa con hẻm ở gần đây thì lo lắm, sống trong vùng dịch nên cứ sợ sẽ nhiễm Covid-19 bất cứ lúc nào. Đêm đến nghe tiếng còi xe cấp cứu chạy ngang, thằng bé giật mình khóc, tôi lại cố gắng ru con vào giấc trở lại”.
Dịch bệnh ở TP.HCM bùng phát, việc chữa bệnh cho con ở thành phố bị gián đoạn, lại chẳng thể về quê. Mong ước lớn nhất lúc này của anh Hoàng là có đủ sức khỏe để làm chỗ dựa cho cậu con trai.
Bình luận (0)