TP.HCM cảnh báo nguy cơ cháy nổ cao

05/04/2017 06:00 GMT+7

Ngày 4.4, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên giải trình về tình hình phòng chống cháy nổ ở TP.HCM. Các ý kiến trao đổi tại đây cho thấy nguy cơ hỏa hoạn, cháy nổ ở TP là rất cao.

Nguy cơ cháy nổ ở chợ Tân Bình cực cao
Trước câu hỏi về nguy cơ cháy nổ ở chợ Tân Bình (Q.Tân Bình), đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết ngôi chợ này được xây dựng trước năm 1975, có diện tích 22.000 m2, hiện có hơn 3.330 sạp và buôn bán chủ yếu là vải sợi, quần áo, là các vật liệu có nguy cơ cháy rất cao. Năm 2010, chợ Tân Bình từng bị cháy.
“Có thể nói, nguy cơ cháy nổ ở chợ Tân Bình là cực cao. Thậm chí tại thời điểm Ban Pháp chế HĐND TP.HCM đi kiểm tra (tháng 3.2017), hệ thống PCCC ở chợ này không hoạt động do không có kinh phí. Hiện hệ thống PCCC đã hoạt động lại. UBND Q.Tân Bình đã có chủ trương, lập kế hoạch di dời nhưng đến nay chợ mới chưa được xây dựng vì còn vướng mắc chuyện di dời của tiểu thương”, ông Châu nói.
Theo đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, có khoảng 300.000 doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh nhưng Cảnh sát PCCC chỉ quản lý trực tiếp theo quy định pháp luật trên 28.000 cơ sở. Các cơ sở không thuộc diện quản lý của lực lượng Cảnh sát PCCC như: nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; nhóm trẻ; cơ sở phế liệu… Hầu hết những cơ sở này đều chưa đảm bảo về điều kiện an toàn PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ gây thiệt hại cao.
Cháy căn hộ ở tầng 4 của chung cư Phùng Hưng (Q.5, TP.HCM) ngày 2.1.2017 Ảnh: Thành Công
Sẽ quy định nhà ở riêng lẻ phải có phương án PCCC
Đa phần là nhà không đảm bảo đường cứu thoát nạn, chủ nhà ở trên, hàng hóa để dưới, cửa chính thường có 2 - 3 lớp nên khi cháy nổ, khó có đường thoát nạn. Vừa qua, ở TP.HCM có nhiều vụ cháy xảy ra ở nhà dạng này và thường gây chết người
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM
Đại tá Bửu cũng nhìn nhận, dù đạt được một số kết quả nhưng cháy nổ vẫn còn tăng cao do người đứng đầu cơ sở, hộ dân vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm; nhiều trường hợp còn vi phạm quy định PCCC; còn tình trạng đối phó, tránh né, chậm thực hiện an toàn PCCC; nhiều cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao xen cài trong khu dân cư; tình trạng nhà ở của dân kết hợp với kinh doanh, sản xuất (nhà phố) không đảm bảo an toàn PCCC, thiếu lối thoát nạn, thiếu phương tiện chữa cháy ban đầu, kỹ năng xử lý tình huống hạn chế... rất phổ biến; một số khu dân cư có nhiều nhà dễ cháy nằm trong các hẻm sâu.
“Đa phần là nhà không đảm bảo đường cứu thoát nạn, chủ nhà ở trên, hàng hóa để dưới, cửa chính thường có 2 - 3 lớp nên khi cháy nổ, khó có đường thoát nạn. Vừa qua, ở TP.HCM có nhiều vụ cháy xảy ra ở nhà dạng này và thường gây chết người”, ông Bửu nói.
Ông Bửu thông tin thêm, hiện TP.HCM có hơn 1.000 nhà cao từ 5 tầng trở lên, trong đó có 605 nhà cao trên 10 tầng. Dù khẳng định lực lượng và trang thiết bị đáp ứng công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ở nhà cao tầng nhưng ông Bửu cũng tỏ ra lo lắng khi chữa cháy ở nhà có tầng cao vì có những tòa nhà chưa đáp ứng điều kiện về chữa cháy tại chỗ để sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với Cảnh sát PCCC khi có sự cố.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Đỗ Phi Hùng cho hay, năm 2016, Sở Xây dựng phối hợp với Cảnh sát PCCC kiểm tra 20 chung cư lớn, có nguy cơ cháy nổ cao. Tình trạng vi phạm diễn ra là các chung cư tự cơi nới, sửa chữa, đục phá, cải tạo khá nhiều. Sở giao các quận, huyện tổng kiểm tra một lần nữa và sẽ xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đang có phương án kiến nghị Bộ Xây dựng có quy định khi cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, cần có yêu cầu về PCCC để người dân tự chữa cháy và “tự cứu mình”.
Hiện trường vụ cháy tại hẻm 453 đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM) làm 6 người chết ngày 16.12.2016 Ảnh: Ngọc Dương
Hơn 60% vụ cháy do sử dụng sai thiết bị điện
Lãnh đạo PCCC cũng cho rằng tình trạng câu mắc sử dụng điện bên trong các hộ gia đình một cách cẩu thả, dễ gây cháy nổ và chưa có cơ quan quản lý chịu trách nhiệm. “Hiện nay, việc câu mắc điện trong khuôn viên căn nhà hầu như để người dân tự lo và chính việc câu mắc sử dụng thiết bị không đúng công suất, thiết bị không đảm bảo an toàn đã dẫn tới hơn 60% nguyên nhân vụ cháy ở TP”, đại tá Bửu nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM, giải trình: "Báo cáo với hội nghị, theo luật, ngành điện chỉ chịu trách nhiệm tới đồng hồ điện. Còn toàn bộ tuyến sau đồng hồ điện, tức là thiết bị điện trong nhà dân, thì ngành điện không có trách nhiệm hay không có quyền kiểm tra, không có thẩm quyền xử phạt. Nếu cứ ghi là (cháy) do điện thì sẽ không có giải pháp PCCC”. Tuy nhiên, giải trình này không được Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng ý vì: “Ngành điện bán điện cho người dân phải có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng an toàn”.
Giải trình thêm, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết trong năm 2017 tổng công ty lên kế hoạch kiểm tra 10.000 hộ dân sử dụng điện có nguy cơ cháy nổ cao. Đến cuối tháng 3.2017 đã kiểm tra hơn 3.100 hộ và có 870 hộ (27%) không đảm bảo an toàn điện. Tuy nhiên việc kiểm tra này gặp khó khăn vì người dân lo ngại, không cho nhân viên vào nhà kiểm tra. Từ đây ngành điện TP cũng muốn phối hợp, tham gia với Cảnh sát PCCC trong những chiến dịch kiểm tra.
Cháy nổ năm 2016 tăng
Báo cáo của Cảnh sát PCCC TP, năm 2016, TP.HCM xảy ra 2.223 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ (tăng 573 tai nạn, sự cố, tăng hơn 35% so với năm 2015). Trong đó, cháy có 1.960 vụ (tăng 433 vụ, tăng gần 29%). Các vụ cháy làm 9 người chết (giảm 1 người), bị thương 36 người (giảm 9 người); thiệt hại về tài sản ước tính gần 260 tỉ đồng (giảm hơn 165 tỉ đồng).
Trong tháng 12.2016 và quý 1/2017, TP có 485 sự cố, cứu nạn và cứu hộ, giảm 358 vụ, tương ứng 42%. Tuy số vụ có giảm nhưng các vụ cháy đã làm 19 người chết (tăng 18 người), 19 người bị thương (tăng 6 người). Cảnh sát PCCC kết luận việc cháy khu vực dân cư, nhất là cháy nhà kết hợp với kinh doanh, sản xuất vẫn tiếp tục gia tăng.
Không để cháy rồi mới chữa
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng phiên giải trình là dịp để Cảnh sát PCCC chỉ ra những khó khăn, thuận lợi cũng như chỉ rõ trách nhiệm, yếu kém trong việc tổ chức PCCC ở TP để có những giải pháp phù hợp. Bà Tâm yêu cầu Giám đốc Cảnh sát PCCC phải đưa ra những biện pháp giảm cháy nổ chứ không phải để cháy rồi mới chữa cháy. Việc chữa cháy không chỉ đảm bảo đời sống, tính mạng người dân mà còn để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm về môi trường đầu tư ở TP.
Đại tá Lê Tấn Bửu thừa nhận công tác PCCC ở TP còn chưa sâu, còn mang tính hình thức và hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC chưa cao; sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ. Mạng lưới các đơn vị cảnh sát PCCC còn chưa đầy đủ; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay và giai đoạn tiếp theo. Công tác bảo dưỡng, duy tu sửa chữa trụ nước chưa theo kịp tiến độ; tình trạng trụ nước chữa cháy bị xâm hại (mất nắp, hư ti) vẫn còn xảy ra. Hiện vẫn còn 113 trụ nước bị hư hỏng không lấy được nước. Bên cạnh đó, lực lượng PCCC tại chỗ của nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định, hoạt động kém hiệu quả. Hệ thống tổ chức của các đơn vị Cảnh sát PCCC được bố trí theo địa giới cấp hành chính cấp quận, huyện nhưng hiện còn 6 quận, huyện chưa có đơn vị Cảnh sát PCCC đóng quân. Nhiều khu vực có bán kính bảo vệ trên 10 km không đảm bảo yêu cầu công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ... Đây là những vấn đề phải hoàn thiện trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.