TP.HCM: Chợ Tam Hà, TP.Thủ Đức ngưng hoạt động từ 12 giờ ngày 29.6

29/06/2021 12:52 GMT+7

UBND P.Linh Đông, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã ra thông báo tạm ngưng hoạt động chợ Tam Hà từ 12 giờ trưa 29.6 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 .

Ngày 29.6, bà Nguyễn Thị Thanh Loan (Chủ tịch UBND P.Linh Đông, TP.Thủ Đức) thông tin UBND P.Linh Đông đã ra thông báo tạm ngưng hoạt động chợ Tam Hà (đường Tô Ngọc Vân, P.Linh Đông, TP.Thủ Đức) từ 12 giờ trưa 29.6 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bà Loan cho biết thêm Tam Hà là chợ truyền thống trên địa bàn phường, tuy nhiên trong thời gian hoạt động, chợ không có chỗ để xe và có rất đông người dân tại P.Linh Đông và các phường khác đổ về mua hàng nên không đảm bảo được việc giữ khoảng cách an toàn trong chợ. 

Bất ngờ vì chợ Tam Bình ở Thủ Đức tạm ngưng hoạt động vì Covid-19

UBND P.Linh Đông đã yêu cầu Ban quản lý chợ Tam Hà thông báo đến các tiểu thương ở chợ biết để thực hiện việc tạm ngưng hoạt động. Thời gian chợ hoạt động lại sẽ được thông báo sau.

Một tiểu thương đóng thùng hàng hóa để cất sau khi nghe tin chợ Tam Hà ngừng hoạt động.

ẢNH: SONG MAI

Ghi nhận tại chợ Tam Hà lúc 11h30 cùng ngày, lực lượng chức năng đã xuống thông báo cho tiểu thương việc chợ ngưng hoạt động từ 12 giờ trưa nay và tiến hành giăng dây, treo bảng thông báo. Trên bảng thông báo còn kèm theo thông tin các cửa hàng bán mặt hàng thiết yếu trên địa bàn phường để người dân có thể đến mua. 
Các tiểu thương tại các sạp bánh kẹo, mì gói... đã đóng thùng hàng hóa chuẩn bị đóng cửa sạp, còn tại các sạp hàng tươi sống như rau, trái cây, thịt, cá... tiểu thương vẫn nán lại để bán cho khách đến 12 giờ.
Một tiểu thương bán bún tại chợ cho biết: "Sau khi lực lượng dân quân thông báo, tôi mới biết trưa nay chợ ngưng hoạt động. Do tình hình chung là dịch Covid-19, nên mình phải chấp hành. Giờ tôi bán hết số bún này rồi nghỉ, chờ có thông báo mới".

TP.HCM đã có dự toán kinh phí hỗ trợ 554 tỉ cho người bị ảnh hưởng vì Covid-19

Như Thanh Niên đã thông tin, trong sáng 29.6, bản tin dịch Covid-19 sáng 29.6 của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có thêm 95 ca mắc Covid-19 trong nước, TP.HCM vẫn nhiều nhất với 58 ca. Như vậy, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 16.136 bệnh nhân. Thế giới hiện có trên 182,1 triệu ca mắc
Tính đến 6 giờ ngày 29.6, Việt Nam có tổng cộng 14.358 ca Covid-19 ghi nhận trong nước và 1.778 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính đợt dịch thứ 4 từ ngày 27.4 đến nay là 12.788 ca, trong đó có 3.745 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Theo HCDC, từ 0 giờ ngày 20.6 đến nay, TP.HCM tiếp tục duy trì thực hiện chỉ thị 10 của UBND TP.HCM. Người dân cần tuân thủ đúng các quy định theo chỉ thị này, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế khi ra khỏi nhà. Người dân cần nâng cao trách nhiệm, tuân thủ quy định trong khu vực phong toả tránh nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và gia đình.

TP.HCM: Những chợ nào phải đóng cửa do Covid-19 ?

Ngày 28.6, một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM là chợ đầu mối Hóc Môn (H.Hóc Môn) phải tạm ngừng hoạt động trong 7 ngày. Tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) cũng phải tạm ngưng một số khu vực tại chợ để tiến hành phun khử khuẩn. 
Ngoài 2 chợ đầu mối này, trên địa bàn TP.HCM nhiều chợ truyền thống cũng phải tạm ngưng hoạt động do liên quan ca nhiễm Covid-19. Chợ Sơn Kỳ (Q.Tân Phú) phong tỏa từ ngày 22.6 khi ghi nhận hàng chục trường hợp nhiễm Covid-19 là tiểu thương và người dân sống gần chợ. Chuỗi lây nhiễm tại chợ Sơn Kỳ có liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối Hóc Môn.
Ngày 27.6, lực lượng chức năng đã tạm thời đóng cửa chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) và chợ Hòa Hưng (Q.10). Q.Tân Bình cũng ra thông báo tìm các cá nhân đã từng đến chợ Hoàng Hoa Thám vào từ ngày 11 - 25.6 để khai báo y tế. Ngoài ra, chợ Thái Bình, chợ Dân Sinh (Q.1), chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), chợ Phạm Thế Hiển (Q.8), chợ Khu phố 2 (Q.Bình Tân)... cũng đã tạm đóng cửa vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19.
Từ ngày 20.6, tại các quận, huyện TP.HCM đã cấm các chợ tự phát theo Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TP.HCM. Riêng các chợ truyền thống đang hoạt động đều phải tuân thủ quy định 5K, tiến hành tổ chức, sắp xếp, phân luồng lại lối đi ra vào chợ; các tiểu thương phải ghi lại thông tin khách hàng để phục vụ công tác truy vết, cách ly khi cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.