Theo thống kê của Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM đến tháng 4.2020, TP.HCM đã triển khai 1.292 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 1.786 thủ tục hành chính đang áp dụng, trong đó mức độ 3 là 989 dịch vụ và mức độ 4 là 303 dịch vụ. Các thủ tục được nhiều người dân và doanh nghiệp sử dụng liên quan đến lao động, kinh doanh và xây dựng.
Dịch vụ bưu chính công ích gia tăng
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, số lượng hồ sơ ở hầu hết sở, ngành và quận, huyện đều giảm, chỉ có Sở Giao thông Vận tải và Kế hoạch - Đầu tư tăng. Riêng Sở Giao thông Vận tải có số lượng hồ sơ trực tuyến tăng do Nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô yêu cầu kể từ ngày 1.4, các thủ tục hành chính cấp phép phù hiệu và biển hiệu, cấp giấy phép kinh doanh giải quyết hồ sơ qua trang dịch vụ công của Bộ Giao thông Vận tải.
Bà Trinh cho biết điểm đáng chú ý đó là số lượng hồ sơ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong gần 20 ngày qua tăng 30%, trong đó tăng mạnh nhất là hồ sơ nhận tại địa chỉ của Sở Kế hoạch - Đầu tư và Bảo hiểm Xã hội TP.HCM. Nguyên nhân được xác định do người dân ngại ra đường và TP.HCM đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến.
|
Nếu như trước đây, người dân dùng dịch vụ công ở mức độ 3 thì vẫn phải lên nhận kết quả, nhưng sau khi nâng cấp nhiều dịch vụ công lên mức độ 4 thì người dân có thể sử dụng dịch vụ trả kết quả tại nhà của bưu điện. Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông cho biết, trong thời gian tới, các quận, huyện tiếp tục nhân rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 kết hợp với dịch vụ nhận và chuyển phát hồ sơ của Bưu điện TP.HCM, đảm bảo số hồ sơ trực tuyến mức độ 4 đạt tỷ lệ tối thiểu là 30%.
Trong khi đó, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM phân tích trước đây người dân có 2 lựa chọn là nộp hồ sơ trực tiếp hoặc hồ sơ trực tuyến nên thường chọn hình thức nộp trực tiếp theo thói quen do ngại tìm hiểu hình thức mới. Khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, các hồ sơ đã có trên cổng dịch vụ công trực tuyến không giải quyết trực tiếp nữa, buộc người dân nếu thấy hồ sơ cấp bách, cần thiết thì phải tìm hiểu thêm hình thức nộp trực tuyến.
Ông Lắm nhìn nhận 3 tuần cách ly xã hội là cơ hội để các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để khi TP.HCM chuyển sang trạng thái bình thường mới thì người dân tiếp tục sử dụng dịch vụ chứ không phải tạm thời.
Cán bộ hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và công tác phòng chống dịch. Ngoài giải quyết các hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, TP.HCM cũng xử lý hồ sơ trực tiếp đối với các thủ tục cấp bách để người dân không bị ảnh hưởng, thiệt hại về mặt kinh tế.
Đối với những thủ tục chưa có dịch vụ công trực tuyến và nhu cầu người dân thực sự cấp bách thì gọi điện thoại cho phường, quận. Cán bộ nhận thông tin sẽ phân loại và hướng dẫn người dân nên làm ngay hay có thể chờ hết dịch rồi thực hiện. Nếu công việc cần làm ngay, phường sẽ cử cán bộ xuống hướng dẫn, nhận hồ sơ thay vì người dân phải mang hồ sơ lên phường, hạn chế ra ngoài đường.
|
Ông Tuyến thông tin trong nhiều năm qua, TP.HCM đã rút gọn nhiều bộ thủ tục hành chính đưa lên cổng dịch vụ công trực tuyến để người dân dễ dàng sử dụng. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, thành phố tiếp tục yêu cầu các cơ quan, đơn vị bố trí nhân sự hướng dẫn, trao đổi qua email, tin nhắn điện thoại, đường dây nóng để trả lời các phản ánh, kiến nghị của người dân trong quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đối với những trường hợp hồ sơ trễ hẹn, đơn vị tiếp nhận phải gửi thư xin lỗi nghiêm túc, đúng quy định.
“Việc hạn chế các hồ sơ trực tiếp là điều không mong muốn nhưng đây cũng là cơ hội để người dân tìm hiểu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thông qua những phản hồi, thành phố tiếp tục có thêm nhiều công cụ, giải pháp để mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp”, ông Tuyến cho hay.
Năm 2019, TP.HCM giải quyết gần 21,4 triệu hồ sơ, trong đó có 6 triệu hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là hơn 6 triệu hồ sơ (tăng 76% so với năm 2018). Với lượng hồ sơ tăng qua mỗi năm, người dân nộp hồ sơ trực tuyến cũng giúp cho TP giảm nhân sự làm công tác tiếp nhận hồ sơ để tập trung vào công tác chuyên môn.
Bình luận (0)