TP.HCM có thể lên đến 38 độ C trong mùa nắng nóng năm 2023

30/03/2023 13:06 GMT+7

Mùa nắng nóng năm nay, TP.HCM có thể đạt nhiệt độ cao nhất năm khoảng 37 – 38oC với số ngày nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm.

Sáng 30.3, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ tổ chức Hội thảo nhận định tình hình thời tiết, thủy văn năm 2023 khu vực Nam bộ và báo cáo khoa học về nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực dự báo. Đây là hoạt động nằm trong chương trình lễ kỷ niệm 30 thành lập Đài (30.3.1993 – 30.3.2023).

Theo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, năm 2022, mùa nắng nóng có nhiệt độ không quá cao, thời gian xảy ra nắng nóng không kéo dài và rất ít những ngày nắng nóng diện rộng. Nhiệt độ cao nhất dao động 35 – 36oC.

TP.HCM có thể lên đến 38 độ C trong mùa nắng nóng năm 2023 - Ảnh 1.

Năm 2023, TP.HCM có số ngày nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm

Nhật Thịnh

Mùa mưa năm 2022 bắt đầu sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 - 25 ngày và kết thúc muộn hơn khoảng 2 - 10 ngày. Năm qua không có mưa lớn diện rộng gây thời tiết nguy hiểm và không có đợt giảm mưa kéo dài.

Theo số liệu, nhiệt độ trung bình năm đo tại trạm Long Khánh (Đồng Nai) là 26,4oC, Phước Long (Bình Phước) 26,5oC và Tân Sơn Hòa (TP.HCM) 28,4oC.

Nhận định thời tiết năm 2023, đơn vị này cho biết dự báo sẽ có nhiều đợt nắng nóng diện rộng kéo dài với nhiệt độ cao nhất cao hơn mọi năm; số ngày nắng nóng nhiều hơn.

Theo đó, mùa nắng nóng năm 2023 bắt đầu xấp xỉ mọi năm và kết thúc muộn với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn. Số ngày nắng nóng và nhiệt độ cao nhất trung bình trong các tháng nắng nóng cao hơn mọi năm. Nắng nóng diện rộng xuất hiện nhiều đợt ở Đông Nam bộ và ven biên giới Tây Nam với nhiệt độ cao nhất cao hơn trung bình nhiều năm.

TP.HCM có thể lên đến 38 độ C trong mùa nắng nóng năm 2023 - Ảnh 2.

Người dân TP.HCM bịt kín mít khi ra đường vì nắng nóng

Nhật Thịnh

Theo đó, các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương có nhiệt độ dao động 38 – 39oC, miền Tây dao động 35 – 37oC. Riêng TP.HCM nhiệt độ cao nhất năm khoảng 37 – 38oC.

Hiện tượng giông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ cường độ mạnh có khả năng xảy ra trong những tháng chuyển mùa và đầu mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 6.2023). Mùa mưa Nam bộ khả năng sẽ bắt đầu sớm hơn mọi năm, từ khoảng 25.4 – 5.5.

Về thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, mực nước cao nhất tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể đạt ở mức 170 – 180 cm vào giữa tháng 12 (đầu tháng 11 âm lịch).


Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ thành lập theo Quyết định số 133/TTg ngày 30.3.1993 của Thủ tướng chính phủ. Đài thực hiện chức năng quan trắc, điều tra, kháo sát khí tượng thủy văn, hải văn, môi trường và quan trắc định vị sét, dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn trong phạm vi khu vực Nam bộ.

30 năm qua, Đài đã thực hiện công tác dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Các bản tin dự báo, cảnh báo hạn cực ngắn dưới 6 giờ, đây là những bản tin có tính cảnh báo tức thời, cấp thiết, giúp người dân kịp ứng phó với những hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trong phạm vi hẹp, xảy ra nhanh, nhưng mức độ nguy hiểm cao.

TP.HCM có thể lên đến 38 độ C trong mùa nắng nóng năm 2023 - Ảnh 4.

Mô hình cột khí tượng được trưng bày tại triển lãm trang thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn

Vũ Phượng

Các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn hạn ngắn (24 - 72 giờ), hạn 7 - 10 ngày, xa hơn nữa là những bản tin dự báo tháng, dự báo mùa, giúp cho các cấp ngành chủ động lên kế hoạch sản xuất, tận dụng tài nguyên khí hậu tối ưu, phòng tránh những điều kiện khí tượng, thủy văn bất lợi.

Những năm gần đây, Đài luôn tích cực, tiên phong trong việc phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số vào công tác chuyên môn. Hiện Đài đang triển khai thử nghiệm công nghệ dự báo bằng trí tuệ nhân tạo, đây là một trong những công nghệ mới nhất, được áp dụng trong ngành.

TP.HCM có thể lên đến 38 độ C trong mùa nắng nóng năm 2023 - Ảnh 5.

Thiết bị đo thông số nước mặt (độ pH, nhiệt độ, độ đục, độ mặn, amoni, độ dẫn điện, độ màu...)

Vũ Phượng

Theo đó, dữ liệu đầu vào của hệ thống gồm ảnh radar thời tiết, ảnh mây vệ tinh, số liệu mưa từ các trạm tự động, dữ liệu mực nước, sau quá trình huấn luyện cho máy đọc sẽ đưa ra các kết quả dự báo mưa, lũ từ dữ liệu dự báo mưa, lũ hệ thống kết hợp với công nghệ nhận dạng ngập lụt bằng camera; đưa ra bản đồ cảnh báo ngập, thông tin cảnh báo sẽ được hiển thị trên ứng dụng có cài đặt trong điện thoại thông minh.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, như mưa lớn, triều cường xuất hiện ngày càng nhiều, phức tạp hơn, thì việc áp dụng công nghệ AI vào nghiệp vụ dự báo, cảnh báo, truyền tin là bước đi đột phá, rất kịp thời, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.

Dịp này, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cũng vinh dự được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.