TP.HCM: Công đoàn gặp khó khi phát triển công đoàn viên, nhất là lao động phi chính thức

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
29/09/2022 15:58 GMT+7

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM nhận định còn nhiều hạn chế trong việc phát triển công đoàn viên, nhất là lao động khu vực phi chính thức (lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động).

Chiều 29.9, đoàn công tác do ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với LĐLĐ TP.HCM để khảo sát, đánh giá thực hiện luật Công đoàn năm 2012.

TP.HCM đạt 101% chỉ tiêu phát triển công đoàn viên

Báo cáo của LĐLĐ TP.HCM cho thấy đơn vị đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động thực hiện quyền đại diện, bảo vệ hợp pháp, chính đáng của người lao động, tham gia quản lý nhà nước, thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP.HCM báo cáo, ở nhiệm kỳ 2018 - 2023, tính tới tháng 6.2022, TP.HCM đã phát triển 537.000 công đoàn viên, đạt tỷ lệ 101% so với chỉ tiêu. Công đoàn TP.HCM cũng tập hợp hơn 6.000 lao động phi chính thức vào 123 nghiệp đoàn theo ngành nghề như bán thức ăn đường phố, giúp việc gia đình, xây dựng, xe ôm công nghệ, sửa xe…

Dẫu đạt kết quả khả quan trong công tác phát triển công đoàn, nhưng LĐLĐ TP.HCM nhận định còn nhiều hạn chế như: không bao phủ được hết lực lượng lao động trên địa bàn, nhất là lao động phi chính thức theo ngành nghề; chưa nắm bắt và theo kịp với xu thế phát triển của nền kinh tế.

Hội nghị khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện luật Công đoàn năm 2012 tại LĐLĐ TP.HCM chiều 29.9

PHẠM THU NGÂN

Ông Nguyễn Thành Đô cũng cho hay, ngoài ra, các phong trào của công nhân, viên chức, hoạt động công đoàn tuy sôi nổi, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên nhưng chưa lan tỏa rộng trong đời sống công nhân; quyền lợi giữa công đoàn viên và người lao động chưa phân biệt rõ ràng. Một bộ phận người sử dụng lao động chưa tạo điều kiện để tổ chức công đoàn tiếp cận người lao động, không tạo điều kiện để người lao động gia nhập tổ chức công đoàn.

Theo thống kê của LĐLĐ TP.HCM, có trên 50% công đoàn cơ sở có quy mô dưới 25 lao động, chủ yếu là ở các công ty gia đình nên lao động thiếu tính ổn định và quan hệ lao động ở đây chưa rõ nét, kinh phí hoạt động ít, việc tham gia các hoạt động, phong trào do công đoàn cấp trên phát động rất hạn chế.

Phát triển công đoàn viên là lao động nước ngoài

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, LĐLĐ TP.HCM đánh giá thêm về việc mở rộng đối tượng là người lao động bốc xếp ở cảng, tài xế xe ôm công nghệ vào các nghiệp đoàn hay phát triển công đoàn viên là lao động nước ngoài.

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh yêu cầu, LĐLĐ TP.HCM phân tích sâu thêm về nhóm lao động phi chính thức tại TP.HCM, nguồn lực của công đoàn để hỗ trợ, kinh phí... Từ đó, có những tính toán, nghiên cứu đề xuất thêm những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung liên quan trong luật Công đoàn.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn cơ sở khu vực lao động phi chính thức giai đoạn 2018 - 2022 do LĐLĐ TP.HCM tổ chức hồi tháng 6.2022 cũng nêu thực trạng số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn. Trong khi đó, việc rà soát, tiếp cận đối tượng này khó khăn do chưa có chính sách quản lý và thống kê, theo dõi; các quy định của luật chưa chặt chẽ trong việc giải quyết tranh chấp lao động khi có phát sinh.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, địa phương hiện có hơn 4,7 triệu người lao động, trong đó có 2,4 triệu lao động khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.