Theo nghị quyết này, mỗi cộng tác viên sức khỏe cộng đồng ở khu vực các quận và TP.Thủ Đức sẽ được thành phố hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng và 550.000 đồng/người/tháng ở khu vực các huyện ngoại thành.
Ngoài ra, các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng còn được thành phố hỗ trợ kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế nếu chưa có thẻ bảo hiểm y tế với mức hỗ trợ là 300.000 đồng/người/năm.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ nhiều năm qua, số lượng nhân viên y tế tại mỗi trạm y tế dao động từ 5 - 10 người, bình quân một trạm y tế phục vụ 30.000 dân (nhiều trạm y tế phục vụ dân số trên 100.000 dân).
Nhân viên trạm y tế ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ Y tế thì còn phụ trách quản lý 20 chương trình sức khỏe: lao, tâm thần, HIV, phong, dân số và phát triển, người cao tuổi, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vệ sinh môi trường, bệnh không lây nhiễm, y tế học đường, tiêm chủng mở rộng, phòng chống Covid-19, truyền thông y tế…
Do đó, một nhân viên y tế phải đảm nhận nhiều chương trình mới đáp ứng được nhu cầu công việc dẫn đến không thể gắn kết chặt chẽ với cộng đồng, không thể chuyển tải được những thông điệp truyền thông đến mỗi người dân để vận động mỗi hộ gia đình, mỗi người dân cùng tham gia và chia sẻ trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng.
Tại TP.HCM, khoảng đầu tháng 10.2021 cơ bản đã kiểm soát được số ca mắc Covid-19 nhưng số ca tử vong có xu hướng tăng cao trở lại. Trước tình hình đó, Sở Y tế TP.HCM tham mưu UBND TP.HCM phát động chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Ngay sau khi phát động chiến dịch, các tổ trưởng tổ dân phố "đi từng ngõ, gõ từng nhà", rà từng danh sách hộ gia đình xem có ai thuộc nhóm người nguy cơ (người trên 65 tuổi, người có bệnh nền) để mời gọi tiêm vắc xin phòng Covid-19 và hướng dẫn xét nghiệm nhanh tầm soát Covid-19 tại nhà.
Chiến dịch đã thành công khi số tử vong thuộc nhóm người nguy cơ đã được kiểm soát và đẩy lùi rõ rệt. Hình ảnh này là minh chứng cho thấy tầm quan trọng không thể thiếu được của mạng lưới các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Họ là những người "không chuyên nghiệp" nhưng phủ khắp địa bàn dân cư, có nhiệt huyết uy tín trong cộng đồng nơi sinh sống và đã được tập huấn, hướng dẫn những kiến thức và kỹ năng cần thiết về công việc cụ thể sẽ tham gia.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng, hiện nay nhiều vấn đề sức khỏe cộng đồng luôn là những thách thức đối với hệ thống y tế thành phố. Đó là dịch bệnh lưu hành sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ…
Bên cạnh đó, còn rất nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã được ngành y tế TP.HCM xác định là nhóm hoạt động ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo, như: chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc các bệnh không lây nhiễm, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân… Và lực lượng y tế tuyến đầu triển khai các hoạt động ưu tiên này không ai khác chính là nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã và cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.
Dự kiến mỗi khu phố sẽ có 3 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. TP.HCM có 5.242 khu phố, ấp thì cần khoảng 15.726 cộng tác viên. Kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí cho lực lượng này là 97 tỉ đồng/năm. Lực lượng này sẽ có UBND phường, xã quản lý; về chuyên môn sẽ do trạm y tế quản lý.
Bình luận (0)