Ngày 10.3, diễn ra chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" chủ đề về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy sức mạnh của nhân dân; do HĐND TP.HCM phối hợp Sở TT-TT và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức.
Thông tin tại chương trình, thượng tá Trần Phúc Hội, Phó trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an TP.HCM cho biết, theo thống kê, số người thi hành xong án phạt tù nhưng chưa xóa án tích cư trú trên địa bàn thành phố khoảng 10.400 người.
Theo đó, Công an TP.HCM sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương một số giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, giúp đỡ và cảm hóa người vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng.
Trong đó, Công an TP.HCM triển khai đồng bộ các hoạt động phòng ngừa để hạn chế tối đa tình trạng người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội; có biện pháp quản lý, giúp đỡ phù hợp hơn đối với từng người; tiếp tục tổ chức và nhân rộng các mô hình về quản lý, giúp đỡ và cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng.
Tỷ lệ khám phá án đạt 100%
Tại chương trình, cử tri Nguyễn Văn Dũng (H.Hóc Môn) cho rằng, thời gian qua có nhiều vụ trọng án xảy ra trên cả nước gây hoang mang trong người dân, TP.HCM là địa bàn phức tạp, Công an TP.HCM có giải pháp gì để ngăn chặn những vụ trọng án?
Trả lời, trung tá Đới Ngọc Thắng, Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM xảy ra các vụ trọng án gây hoang mang cho người dân, trong đó có vụ giết người ở H.Hóc Môn, TP.Thủ Đức.
Khi phát hiện vụ việc, Công an TP.HCM đã khẩn trương tập trung lực lượng, phương tiện để tiến hành truy xét, truy bắt nhanh các đối tượng gây án, tỷ lệ khám phá án là 100%.
Theo ông Thắng, để phòng ngừa tội phạm, Công an TP.HCM sẽ tiếp tục tham mưu, triển khai nhiều kế hoạch trấn áp các loại tội phạm.
Cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát ngăn chặn kịp thời các nguy cơ phát sinh tội phạm; nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, đặc biệt là băng ổ nhóm mang tính chất côn đồ, từ đó nhanh chóng bắt giữ các đối tượng.
Đồng thời, không để hình thành, tồn tại các tuyến địa bàn về điểm nóng tệ nạn xã hội; phát huy các tổ tuần tra, giám sát như tổ công tác 363 để giải quyết những vụ việc khi mới phát sinh.
Công an TP.HCM cũng thường xuyên gọi hỏi, răn đe những đối tượng như thanh thiếu niên hư, người có tiền án tiền sự, những người có nguy cơ phạm tội.
Cùng với đó, Công an TP.HCM đã xây dụng, nhân rộng mô hình điển hình trong phòng chống tội phạm tại địa bàn cơ sở, nhất là mô hình tự phòng, tự quản và hòa giải tại cộng đồng, khu dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học.
Phát huy lực lượng 363 thành "quả đấm thép"
Thông tin hiệu quả hoạt động của lực lượng 363, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết lực lượng 363 ra đời nhằm kịp thời, răn đe, xử lý, trấn áp các loại tội phạm đường phố, tội phạm ma túy, các hành vi vi phạm pháp luật về tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ, gây rối trật tự công cộng, kinh doanh hàng cấm, nhập lậu...
Sau hơn 1 năm hoạt động, lực lượng này đã phát hiện trên 26.800 đối tượng vi phạm, giao công an địa phương xử lý, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Trong thời gian tới, Công an TP.HCM để tiếp tục phát huy lực lượng 363 trở thành "quả đấm thép" trong phòng chống tội phạm đường phố.
Để phát huy lực lượng 363, Công an TP.HCM tiếp tục nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ để lực lượng này có kỹ năng, nhận diện đúng đối tượng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đảm bảo "đúng vai, thuộc bài" và xử lý tốt mọi tình huống.
Bình luận (0)