Sáng 13.7, các đại biểu HĐND TP.HCM chất vấn ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT trên địa bàn.
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn về cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, nhiều điểm công cộng ở TP.HCM được xác định là không gian tiềm ẩn nguy cơ không an toàn với phụ nữ, trẻ em về quấy rối tình dục như các nhà chờ, trạm dừng, điểm trung chuyển xe buýt...
|
Theo đại biểu Mỹ Ngọc, vừa qua ngành GTVT đã cung cấp dịch vụ an toàn cho phụ nữ và trẻ em, dán thông điệp tuyên truyền tại nhà chờ xe buýt, triển khai tuyến xe buýt màu cam, truyền thông phòng chống quấy rối tình dục trên xe buýt. Kết quả ban đầu thí điểm mô hình này thế nào? Sở GTVT có kế hoạch triển khai trên các địa bàn khác hay không? Sở tham mưu thế nào cho TP phát triển hạ tầng giao thông công cộng?
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, từ năm 2018 Sở đã triển khai chương trình TP thông minh, thân thiện, an toàn với phụ nữ và trẻ em. Trong đó, đã tổ chức lớp tập huấn về quấy rối tình dục, xâm phạm trẻ em cho tiếp viên, tài xế xe buýt, và phối hợp lực lượng công an trong công tác quản lý. Thêm vào đó, Sở có hệ thống giám sát thường trực ở trung tâm điều hành và trên các xe buýt đều có camera giám sát.
Tại các trạm dừng, nhà chờ, Sở GTVT cũng tổ chức biển báo nhắc nhở và lắp camera giám sát. Sở đang tiến hành xây dựng ý thức trách nhiệm cho lực lượng đơn vị cung ứng dịch vụ giao thông công cộng, và có hình thức báo động cho xã hội để ai có hành vi xấu đều bị giám sát.
Theo ông Trần Quang Lâm, Sở đã kêu gọi xã hội hóa để triển khai các cổng trường an toàn, bằng cách làm hàng rào bố trí trạm chờ riêng, có biển cảnh báo và camera giám sát cho học sinh. Tại các nút giao thông, Sở cũng đã triển khai nhiều phương án để tăng tính an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Bài toán chống kẹt xe ở TP.HCM có khả thi?
Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt đề nghị Sở GTVT nêu cụ thể quy hoạch định hướng phát triển giao thông đô thị của TP từ nay đến 2025 như thế nào, vì tình trạng kẹt xe ở TP ngày càng nghiêm trọng.
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, rất nhiều TP lớn trên thế giới đối diện với vấn đề kẹt xe, không riêng gì TP.HCM. Kẹt xe đi kèm tai nạn và ô nhiễm môi trường, là các vấn đề chung của đô thị hóa. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam là 40%, riêng TP.HCM tốc độ 80%. Vậy làm sao giải bài toán này?
Theo mô phỏng và tính toán, với kịch bản khép kín các tuyến vành đai 2, vành đai 3, mở rộng các tuyến quốc lộ kết nối thành phố với các tỉnh trong vùng; cùng với các công trình khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Cảng Cát Lái, Hiệp Phước, các cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4....; cùng với việc phát triển giao thông công cộng (đưa tuyến BRT số 1, Metro số 1 vào khai thác, phát triển hệ thống xe buýt...), thì đến năm 2025, giao thông thành phố vẫn ổn định.
Bên cạnh đó, với đặc thù của TP.HCM, tốc độ đô thị hóa và dân số tăng nhanh, nên cần phải ưu tiên tập trung phát triển giao thông công cộng và từng bước hạn chế nhu cầu giao thông cá nhân (theo nghiên cứu thì phạm vi chiếm dụng mặt đường khi lưu thông tính trên một người, thì xe mô tô, xe máy gấp khoảng 5 lần xe buýt, xe ô tô con gấp khoảng 8,5 lần xe buýt).
Do đó, nếu chỉ phát triển hạ tầng thì cũng không thể đáp ứng năng lực lưu thông, mà thực tế luôn cần đến sự chia sẻ của người dân trong việc từng bước điều chỉnh hợp lý thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân.
Xe đậu lòng lề đường nhiều nhưng thu được ít tiền
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm về việc thu phí lòng lề đường được áp dụng từ tháng 8.2018, tài xế thanh toán bằng công nghệ, nhưng không biết hiệu quả của việc này thế nào?, ông Trần Quang Lâm cho biết quá trình thực hiện ở 3 quận gồm 1, 5, 10 đến nay thu được 1,1 tỉ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, dù qua quan sát trên camera thì thấy số lượng xe đậu vẫn đông.
Theo đó, từ 1.5, thành phố giao việc hướng dẫn thu phí cho Lực lượng Thanh niên xung phong TP. Dù có cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do hiện tại chỉ có một giải pháp công nghệ là ứng dụng của Viettel và qua các nhà mạng, chứ chưa qua các ứng dụng thanh toán hiện đại khác như ZaloPay... nên người dân còn thiếu lựa chọn.
Ngoài ra, ông Trần Quang Lâm cho rằng giải pháp công nghệ vẫn còn trục trặc, nhân viên hướng dẫn chưa nhiệt tình, thời gian đầu các quận còn làm theo giờ hành chính, đến khi thanh niên xung phong làm thì tốt hơn, thu phí có tăng.
Để giải quyết được các trường hợp đậu xe nhưng không trả phí, ông Trần Quang Lâm cho rằng cần phải có chế tài. Sắp tới, Sở sẽ cùng với Thanh tra Sở Tài chính nghiên cứu giải pháp xử lý tại hiện trường, phạt nguội đối với xe đậu nhưng không trả phí.
Bình luận (0)