TP.HCM đề xuất đặc thù khi tinh gọn bộ máy

29/12/2024 07:03 GMT+7

Ngày 28.12, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ 35 để thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo chuyên đề trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2025 - 2030 và dự thảo đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP.

ĐỀ XUẤT GIỮ LẠI S AN TOÀN THỰC PHẨM

So với phương án sắp xếp công bố hồi đầu tháng 12.2024, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết phương án lần này có 3 điểm mới sau khi cập nhật định hướng của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ và Ban Tổ chức T.Ư.

Cụ thể, đối với Đảng bộ TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ sáp nhập với Ban Dân vận Thành ủy, kết thúc hoạt động của 11 đảng đoàn và 3 ban cán sự đảng. TP.HCM kiến nghị sáp nhập Đảng bộ Đại học Quốc gia TP.HCM với Đảng bộ khối đại học - cao đẳng do số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn rất lớn, số lượng giáo viên, giảng viên và sinh viên rất đông. "Đây là đặc điểm riêng của Hà Nội, TP.HCM mà các địa phương khác không có", bà Tuyết cho biết.

TP.HCM đề xuất đặc thù khi tinh gọn bộ máy- Ảnh 1.

Theo phương án mới, UBND TP.HCM giảm từ 21 sở còn 15 sở, còn 2 cơ quan hành chính và 32 đơn vị sự nghiệp công lập

ẢNH: T.N

Số lượng đảng bộ trực thuộc Thành ủy TP.HCM từ 51 đảng bộ giảm còn 27 đảng bộ (giảm gần 50%), gồm 22 đảng bộ quận, huyện, TP.Thủ Đức và 5 đảng bộ cấp trên cơ sở. Các quận, huyện, TP.Thủ Đức cũng không thành lập đảng bộ khối doanh nghiệp như dự kiến mà chỉ có 2 đảng bộ (cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp và khối chính quyền).

Đối với cơ quan hành chính thuộc UBND TP.HCM, bà Tuyết cho biết Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ định hướng, gợi ý có 5 sở đặc thù: Ngoại vụ, Du lịch, Quy hoạch và Kiến trúc, An toàn thực phẩm và Ban Dân tộc, đồng thời khống chế số lượng tối đa 15 sở. Theo phương án mới, UBND TP.HCM giảm từ 21 sở còn 15 sở (giảm gần 30%), còn 2 cơ quan hành chính và 32 đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, TP.HCM đề xuất cho phép giữ lại Sở An toàn thực phẩm theo Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội.

GIẢM 15% ĐẦU MỐI BÊN TRONG

Các ý kiến tại hội nghị thống nhất cao với phương án bám sát chỉ đạo và định hướng, gợi ý của T.Ư cũng như nghiên cứu, đề xuất các vấn đề có tính đặc thù của địa phương. Việc sắp xếp các cơ quan báo chí TP.HCM theo mô hình phù hợp, bám sát Quyết định 362/2019 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 và quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư với hệ thống báo chí.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá đây là thời cơ rất thuận lợi để triển khai thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông Nên yêu cầu từng cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị; phấn đấu giảm 15% đầu mối bên trong và có lộ trình giảm biên chế theo quy định. Các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, nghiên cứu giảm dần biên chế, áp dụng cơ chế đặt hàng, từng bước sắp xếp bộ máy thực chất và hiệu quả, không lãng phí.

Bộ máy mới thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; kết thúc các tổ chức trung gian có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo; kiên quyết tinh gọn cơ cấu tổ chức bên trong. Các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung quy chế về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác để đảm bảo bộ máy vận hành trơn tru, thuận tiện hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM chủ động nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách thỏa đáng, công bằng, thấu tình, đạt lý đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong diện sắp xếp. Đồng thời, quản lý biên chế chặt chẽ trong quá trình sắp xếp theo định hướng giảm đầu mối, giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn với đề án vị trí việc làm và đề án chuyển đổi số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.