TP.HCM GIẢM 6 SỞ
Ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết đơn vị đã tham mưu UBND TP.HCM phương án sắp xếp các đơn vị, dự kiến giảm 15% đầu mối tổ chức bên trong. Cụ thể, TP.HCM giảm từ 21 sở còn 15 sở, giảm từ 8 cơ quan hành chính còn 4 cơ quan, và từ 35 đơn vị sự nghiệp công lập còn 32 đơn vị. Ông Thuận cho biết đến giữa tháng 2.2025 sẽ hoàn tất việc sắp xếp, ổn định hoạt động và đến cuối tháng 2.2025 sẽ báo cáo kết quả tinh gọn bộ máy về Bộ Nội vụ.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết ngày 28.12 Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức phiên họp để bàn bạc về phương án sắp xếp. Ông chia sẻ thêm, Bộ Chính trị đã họp bàn về chính sách đối với cán bộ, công chức trong quá trình sắp xếp, thống nhất mục tiêu phải đảm bảo công bằng, hài hòa, thỏa đáng. Trong quá trình sắp xếp các tổ chức trùng lặp về nhiệm vụ thì những cá nhân làm việc trong tổ chức đó sẽ bị ảnh hưởng. Họ không có lỗi trong việc này nên cần đánh giá, tính toán rất kỹ khi sắp xếp lại. "Phải đối xử hết sức công bằng", ông Nên nói.
Bên cạnh đó, khi sắp xếp phải tính toán sử dụng đúng những người thực tài, những người có khả năng, trình độ, năng lực và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển TP và đất nước. Những người năng lực yếu, tổ chức không có nhiều ý nghĩa thì phải tính toán sắp xếp. Ông Nên nhìn nhận dù ở chỗ nào, vị trí hay trên cương vị nào thì mỗi người cũng có cơ hội để cống hiến.
Trao đổi thêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đang tập trung thực hiện sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của T.Ư, Ban Thường vụ Thành ủy. Đối với các đơn vị không thuộc diện sắp xếp, ông Mãi đề nghị cần tập trung tái cơ cấu, cải cách quy trình để nâng cao hiệu quả, đồng thời nhận diện, đề xuất sửa quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật để vận hành bộ máy ngay sau khi sắp xếp.
LÀM GÌ ĐỂ TĂNG TRƯỞNG TRÊN 10%
Năm 2025, UBND TP.HCM đặt 22 chỉ tiêu chủ yếu theo 5 nhóm: kinh tế, văn hóa - xã hội, phát triển đô thị và bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, đảm bảo an ninh. Trong đó, địa phương phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%, kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD, tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 8 triệu m2...
Nêu giải pháp để tăng trưởng 2 con số, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết địa phương tập trung cao độ cho cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả phối hợp trong giải quyết công việc tồn đọng.
Tại hội nghị, ông Mãi giao Văn phòng UBND TP.HCM phối hợp Sở Nội vụ có kế hoạch triển khai theo công thức 1-3-7, tức là 1 ngày nhận nhiệm vụ, 3 ngày phải trả lời và 7 ngày giải quyết các công việc lớn. Các tổ công tác triển khai theo công thức 3-3, tức là một việc họp không quá 3 lần, một lần không quá 3 tuần. "Chỉ như vậy mới đảm đương được khối lượng công việc khi sáp nhập và các mục tiêu tăng trưởng 2 con số", ông Mãi nhận định.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt với TP.HCM, nhiều công trình dự kiến khởi công hoặc khánh thành dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.2025). Sắp tới, UBND TP.HCM sẽ trình chính sách miễn giảm về học phí, chăm sóc sức khỏe cho người dân, kiểm soát khí thải, cải thiện môi trường, đồng thời hoàn thiện hồ sơ các đề án lớn về trung tâm tài chính quốc tế, đường sắt đô thị...
Về đề án đường sắt đô thị, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết TP.HCM đang hoàn chỉnh hồ sơ, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5.2025. Riêng đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được Thủ tướng phê duyệt, TP.HCM đã trình chủ trương đầu tư, sắp tới Chính phủ sẽ phê duyệt làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Ông Lâm cho biết năm 2025 hứa hẹn có nhiều công trình lớn cơ bản hoàn thành như Vành đai 3, khởi công khép kín Vành đai 2, thông qua Vành đai 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài...
Liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội và đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tập trung rà soát các quỹ đất do nhà nước trực tiếp quản lý để sắp xếp xử lý tài sản công, đầu tư nhà ở xã hội bằng hình thức đầu tư công hoặc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.
Kiểm tra, giám sát như trị bệnh cứu người
Chiều cùng ngày, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Trong năm 2024, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp tại TP.HCM kiểm tra 1.400 tổ chức đảng và 4.045 đảng viên, qua đó kết luận 77 tổ chức và 119 đảng viên thực hiện chưa tốt, có khuyết điểm, vi phạm. Về công tác giám sát, TP.HCM thực hiện giám sát 1.259 tổ chức và 3.676 đảng viên, kết luận 62 tổ chức đảng và 94 đảng viên vi phạm.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 8 tổ chức đảng và 44 đảng viên, kết luận có 6 tổ chức và 32 đảng viên vi phạm. Trong năm, địa phương kỷ luật 10 tổ chức đảng và 299 đảng viên, trong đó Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kỷ luật 9 đảng viên, đề nghị kỷ luật 2 đảng viên.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng giống như trị bệnh cứu người, phòng ngừa là chính. Năm 2025, ngành kiểm tra cần xác định trọng tâm là phục vụ đại hội đảng các cấp và việc sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết 18/2017 của T.Ư Đảng. Song song đó, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM lưu ý cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp của nhiệm kỳ mới đủ tâm, đủ tầm làm chỗ dựa vững chắc của Đảng bộ TP.HCM.
Năm 2025, TP.HCM và cả nước có nhiều sự kiện trọng đại và có nhiều công trình chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại. Ông Hải đề nghị quan tâm kiểm tra, giám sát những công trình này để đảm bảo đúng quy định, chất lượng, tránh xảy ra vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, điều hành cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Nguyễn Văn Quyết nhận định số lượng cuộc kiểm tra, giám sát không quan trọng bằng chất lượng, hiệu quả; điều quan trọng nhất sau kiểm tra, giám sát là giúp các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện nhiệm vụ chính trị tốt hơn.
Về nhiệm vụ năm 2025, ông Quyết đề nghị ngành kiểm tra xây dựng chương trình, triển khai nhiệm vụ trọng tâm sát tình hình thực tiễn. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng các cấp, kiểm tra dấu hiệu vi phạm khi phát sinh, xử lý dứt điểm các đơn thư tồn đọng, kéo dài. Đồng thời, tập trung thực hiện các kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, của T.Ư về các vụ việc, dự án, công trình còn tồn đọng để chống lãng phí, khơi thông nguồn lực. Ông Quyết cũng đề nghị thường xuyên đổi mới phương thức, cách làm, trong đó thường trực ủy ban kiểm tra phải là chỗ dựa vững chắc cho các đoàn kiểm tra, giám sát. Đối với người làm công tác kiểm tra, ông Quyết lưu ý cần đổi mới phong cách, khiêm tốn, cầu thị, thấu hiểu và giúp đối tượng kiểm tra nhận ra vi phạm và khắc phục.
Thúc đẩy kinh tế số
Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết ngay trong tháng 1.2025 sẽ đề xuất Thành ủy TP.HCM ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo toàn hệ thống chính trị triển khai thực hiện Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị, xác lập những chỉ tiêu, mục tiêu khẳng định vị thế tiên phong của thành phố về chuyển đổi số, khoa học - công nghệ.
Để kinh tế số đạt 25% GRDP, ông Thắng cho biết sẽ tập trung giải pháp để thúc đẩy 2 nhóm thành phần quan trọng là kinh tế số lõi công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số lan tỏa trong các ngành khác. Song song đó, TP.HCM huy động tất cả nguồn lực về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cơ bản đưa nền hành chính lên nền tảng số.
Bình luận (0)